Với chiếc máy nhỏ gọn, nhóm sinh viên khoa Điện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Khánh Trình, Bùi Lê Đạt và Tạ Sinh Phúc) đã giúp người khiếm thị thỏa mãn mong ước được đọc mọi loại sách mà không phải giới hạn trong sách chữ nổi. Sản phẩm trên đã giành giải nhất cuộc thi ASU/AWS EduHackathon 2017 do ĐH Arizona (ASU, Mỹ) tổ chức.
Nhóm sinh viên giành giải nhất cuộc thi ASU/AWS EduHackathon 2017 do ĐH Arizona (ASU, Mỹ) tổ chức |
Ý tưởng chế tạo ra máy đọc sách cho người khiếm thị của nhóm sinh viên xuất phát từ suy nghĩ: “Việc đọc sách là cách hữu ích và tiện lợi để tiếp cận, thu thập thông tin trong thời đại ngày nay. Nhưng đối với người khiếm thị không hề là điều dễ thực hiện nếu không muốn nói họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc này”. Trong khi đó không phải người khiếm thị nào cũng có cơ hội học chữ nổi, không phải sách nào cũng được chuyển thể qua chữ nổi. Từ những trăn trở đó, nhóm đã bàn bạc và bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế ra một thiết bị giúp người khiếm thị có thể đọc được những cuốn sách bình thường mà không cần phải có sự trợ giúp của người khác.
Nguyễn Thanh Hoàng (Trưởng nhóm) cho biết chiếc máy được thiết kế nhỏ gọn (kích thước chỉ bằng bao thuốc lá), gồm một camera gắn trên một hộp 3D thiết kế đặc biệt để tay người có thể đeo được. Camera được nối với một máy tính nhúng Raspberry Pi có chức năng nhận và truyền dữ liệu cần tính toán lên Cloud. Khi người đọc chỉ tay vào ký tự của sách và chụp ảnh lại bằng tay mình, hệ thống sẽ đưa lên Cloud xử lý và nhận về dữ liệu là Audio để xuất ra loa hoặc tai nghe. Hiểu một cách đơn giản là máy sẽ làm nhiệm vụ chuyển từ ký tự của sách sang giọng đọc để người khiếm thị có thể nghe được. Với chiếc máy này, người khiếm thị có thể đọc được mọi loại sách mà không bị giới hạn bởi sách chữ nổi dành riêng cho họ. Theo tính toán, giá thành sản phẩm khoảng 100 USD (hơn 2 triệu đồng Việt Nam). Nếu giải pháp này triển khai trên thiết bị nhỏ hơn và với số lượng lớn thì sẽ có giá thấp hơn, thuận tiện cho người sử dụng.
Để cho ra đời được chiếc máy có vẻ đơn giản đó, nhóm cũng gặp không ít khó khăn. Đó là thời gian hoàn thành chỉ trong vòng 3 tháng, trong khi các thành viên của nhóm không thông thạo việc xử lý phần mềm vì không chuyên về lập trình. Với những vấn đề quá khó, không thể tự nghiên cứu, nhóm nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của giảng viên Ngô Đình Thanh để hoàn thiện đề tài.
Nhận xét về đề tài, thầy Ngô Đình Thanh cho biết: “Đây là đề tài mang tính nhân văn và thực tiễn cao khi nhóm tạo ra sản phẩm hữu ích dành cho người khiếm thị, giúp họ có thể đọc mọi loại sách báo mà không bị giới hạn bởi chữ nổi dành riêng cho mình. Thiết bị sử dụng giải pháp Internet of Things (Internet kết nối vạn vật) và nền tảng công nghệ điện toán đám mây từ Amazon Web Services kết hợp với máy tính nhúng nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp trong việc nhận dạng các loại chữ khác nhau và chuyển đổi thành lời nói một cách chính xác”.
Thành công ở một sân chơi nghiên cứu khoa học quốc tế, nhóm tiếp tục đặt ra cho mình những mục tiêu để đưa sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống. Nguyễn Thanh Hoàng chia sẻ, nhóm sẽ nghiên cứu tiếp để thiết kế máy có thể đọc được tiếng Việt, do với chiếc máy hiện tại các nền tảng liên quan của AWS (Công ty con của Amazon) hỗ trợ nên vẫn chưa có tiếng Việt, máy chỉ mới đọc được tiếng Anh và 22 ngôn ngữ khác. “Tương lai, nhóm cũng sẽ nghiên cứu sâu hơn để phát triển thiết bị không chỉ để dùng vào việc đọc sách mà còn để giúp người khiếm thị nhận diện các đồ vật ở siêu thị hoặc để dạy ngôn ngữ cho trẻ em khi không có người lớn ở nhà…”, Nguyễn Thanh Hoàng cho biết.
Phan Lệ
Bình luận (0)