Số sinh viên bị buộc thôi học tăng lên hằng năm đã trở thành vấn đề cần phân tích, mổ xẻ để tìm ra biện pháp khắc phục.
Gia đình khó khăn trong khi học phí cao, nhiều sinh viên phải đi làm thêm dẫn đến thời gian dành cho học tập giảm đi. Trong ảnh: Sinh viên tìm việc làm thêm – Ảnh: Q.NG.
Hằng năm các trường đại học rà soát và buộc thôi học các sinh viên có thành tích học tập kém là bình thường, bởi lẽ đậu đại học không đồng nghĩa có thể hoàn thành chương trình.
Tuy nhiên, khi số sinh viên bị buộc thôi học hằng năm tăng lên không còn là hiện tượng ngẫu nhiên mà lắm khi trở thành vấn đề cần phân tích mổ xẻ để tìm ra biện pháp khắc phục.
Câu hỏi đầu tiên là nguyên nhân vì sao các sinh viên này có thành tích học tập kém?
Có trả lời được thấu đáo, các trường mới đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Những câu hỏi tiếp theo đó là phải chăng thành tích học tập kém xuất phát từ cách tuyển sinh, đầu vào không tốt dẫn đến sinh viên bị hụt hẫng hoặc không chú tâm vào việc học vì không đúng mục tiêu?
Trước đây các trường chỉ tuyển sinh theo ba nguyện vọng, trường có uy tín thường tuyển sinh nguyện vọng 1 hoặc cùng lắm là nguyện vọng 2. Tuyển sinh ít nguyện vọng, phần lớn sinh viên đều vào học ngành mà mình yêu thích hoặc mình mong muốn học nhất.
Còn gần đây, việc tuyển sinh cho phép thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn, nhiều hình thức tuyển sinh hơn (dựa vào học bạ, dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia).
Cách tuyển sinh này làm gia tăng khả năng đậu ĐH của các em học sinh nhưng cũng có mặt trái là nhiều trường tuyển sinh viên không yêu thích ngành mình được học. Thành tích học tập kém là điều hiển nhiên.
Một nguyên nhân khác có thể khiến các em sinh viên có thành tích học tập kém là vì điều kiện kinh tế khó khăn. Trong khi xu hướng chung là các trường đều tăng học phí, gây áp lực lên chi tiêu gia đình. Những sinh viên trong hoàn cảnh này phải làm thêm nhằm trang trải cho việc học, thời gian dành cho học tập cũng giảm đi.
Một lý do khác cũng phải tính đến đó là phương pháp học tập. Cách học ở ĐH và phổ thông rất khác nhau. Khi học ĐH, sinh viên gần như tự chủ việc học, không còn kiểm soát gắt gao về lịch học, sự giám sát của gia đình cũng giảm đi, không có "sổ liên lạc" giữa nhà trường với gia đình.
Sự tự do trong cách học ở ĐH đã khiến nhiều sinh viên dần đánh mất "kỷ luật học tập" vốn có ở bậc phổ thông. Cứ thế, các em trượt dài và không thể phục hồi nhịp học vốn có, dẫn đến kết quả học tập kém.
Bên cạnh đó, có chăng thực trạng khó kiếm việc làm khi ra trường cũng tác động ít nhiều đến tâm thế học của sinh viên, tương lai mờ mịt của đàn anh, đàn chị làm mất đi nhuệ khí học tập nơi các em?
Số sinh viên bị thôi học tăng lên, suy cho cùng đó chính là lãng phí xã hội. Có đầu tư, có đào tạo nhưng lại không cho ra "sản phẩm". Với chính bản thân sinh viên, phải dừng việc học, chuyển sang hướng khác cũng là thiệt thòi cho chính bản thân và cả gia đình.
Không thể để con số sinh viên bị thôi học tăng qua các năm, mà phải kéo giảm. Từng trường mổ xẻ tình trạng này, nhiều khi tìm được những nhận định hay, kinh nghiệm quý để xây dựng các phương án tuyển sinh, đào tạo tốt hơn.
Các trường chậm mổ xẻ tình trạng sinh viên bị thôi học cũng là một thái độ dửng dưng với tình trạng lãng phí trong đào tạo.
Bình luận (0)