Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Du học ở Anh: Khó tìm được việc làm thêm

Tạp Chí Giáo Dục

Không ít học sinh – sinh viên băn khoăn: Làm thế nào để du học ở một môi trường tốt? Chuẩn bị hành trang gì khi qua xứ người học tập?… Nhằm giải tỏa những băn khoăn trên, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), hiện là nghiên cứu sinh tại Vương quốc Anh.

PV: Được biết bà đã nhận bằng thạc sĩ tâm lý giáo dục ở Vương quốc Anh. Bà có thể cho biết lý do tại sao lại chọn nước này học tập?

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Nước Anh có nền giáo dục phát triển, điều này không có gì để bàn cãi. Hơn nữa, với ngành giáo dục học mà tôi đang theo đuổi thì nước này cũng là tốp đầu trong đào tạo. Vì vậy, tôi nghĩ đây là một lựa chọn tốt.

Đối với các trường ĐH ở Anh, điều kiện đầu tiên là tất cả hồ sơ theo yêu cầu của trường phải đầy đủ, chỉn chu, dịch sang tiếng Anh. Các thông tin có lợi như thành tích học tập, nghiên cứu, hoạt động xã hội… phải khai thác kỹ trong đơn xin học. Khi trình bày nguyện vọng, lý do xin học nên suy nghĩ kỹ, rõ ràng từ trong ý tưởng thì mới trình bày được tốt. Tức là phải nói rõ vì sao học ngành đó?, những điểm mạnh của mình là gì?, có thể đáp ứng yêu cầu khóa học như thế nào?, kế hoạch tương lai áp dụng kiến thức, kỹ năng mà khóa học mang lại ra sao?…

Khi bắt đầu việc học ở Vương quốc Anh, bà có gặp trở ngại gì không?

– Từ một người không biết gì về chuyện du học, tự mày mò để nộp hồ sơ và lên đường đi học, thực sự là một hành trình dài. Tuy nhiên, nhờ internet phát triển, thông tin từ nhiều nguồn nên việc thích ứng cũng dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, tôi cũng phải gánh nhiều kinh nghiệm thương đau.

ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền (bìa phải) cùng các du học sinh tại Anh (ảnh nhân vật cung cấp)

Riêng về chuyện học, 3 tháng đầu tôi gần như không hiểu nổi thầy cô nói gì, các bạn nói gì vì 95% sinh viên là người Anh. Giảng viên không quan tâm trong lớp có sinh viên quốc tế nên không thể bắt họ nói chậm lại và giải thích cụ thể cho mình. Đến một nền giáo dục khác, có nhiều lý luận nền tảng tôi không được tiếp cận nên việc hiểu các bài giảng trở nên khó hơn.

Vậy bà đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

– Để vượt qua những trở ngại này, yếu tố đầu tiên là tôi phải tự học. Vì thời gian lên lớp rất ít, chủ yếu tự nghiên cứu nên mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối tôi ở thư viện đọc sách. Chỗ nào không hiểu, tôi gửi email xin hẹn giảng viên trong khoa đến phòng làm việc của họ để trao đổi thêm. Đồng thời, tham gia tất cả các khóa học tiếng Anh miễn phí ở trường để cải thiện.

Qua quá trình du học, bà có những chia sẻ gì đối với các bạn trẻ đang chuẩn bị du học, đặc biệt là có ý định chọn nước Anh?

– Khi chọn nước này du học, các bạn phải xác định chi phí đắt đỏ, kiếm việc làm thêm rất khó (trừ thành phố lớn), vì vậy nếu đi tự túc nên chuẩn bị sẵn nguồn tài chính. Tuy nhiên, do khóa học ngắn hạn (cử nhân 3 năm, thạc sĩ 1 năm) nên tổng chi phí vẫn rẻ hơn so với Úc, Mỹ.

Phần lớn các bạn trẻ khi du học đều trưởng thành hơn rất nhiều, trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ lần đầu tiên trong đời; có khó khăn, thử thách, đôi khi phải trả giá nhưng đều là kinh nghiệm quý cho bản thân.

Trong giao tiếp, các bạn sẽ gặp nhiều người với nhiều kiểu phát âm khác nhau khiến các bạn gặp khó khăn lúc đầu. Vì vậy các bạn làm quen với tiếng Anh, với giọng Anh trước khi du học cũng sẽ có lợi.

Các bạn nên “tận dụng” giảng viên càng nhiều càng tốt, giảng viên cũng khuyến khích điều này, họ thích sinh viên đóng góp ý kiến và tranh luận, đừng chờ phải có ý kiến thật hoàn hảo mới nói ra. Tuy nhiên, lưu ý là trước khi muốn hỏi thầy cô vấn đề học thuật gì, các bạn phải tìm hiểu về nó trước để khi gặp, các bạn có thể trình bày mình hiểu nó tới đâu và đang khó khăn chỗ nào. Đừng kỳ vọng giảng viên sẽ đưa ra một đáp án chính xác cho các câu hỏi của mình bởi họ chỉ gợi mở để sáng tỏ thêm điều mình đang tìm hiểu, các bạn là người quyết định câu trả lời của chính mình. Nhiều sinh viên bị sốc khi hỏi thầy cô rất nhiều nhưng cuối cùng họ không đưa ra câu trả lời chính xác, đó là do các bạn quen xem thầy cô là vĩ nhân, là người quyết định chân lý. Thực chất, ở đây mọi người chấp nhận quan điểm khoa học trái chiều nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội, do đó giảng viên sẽ không bao giờ ép sinh viên đi theo một quan điểm nhất định. Theo đó, giảng viên không đưa ra một câu trả lời duy nhất cho sinh viên, một số sinh viên Việt Nam chỉ trích và cho rằng họ kém cỏi, vô ích nhưng thực ra do các bạn chưa biết cách “tận dụng” họ và không hiểu rõ văn hóa học thuật ở đây.

D.Bình

Hãy tận dụng mọi cơ hội để học hỏi

Du học không chỉ là một hành trình học tập giới hạn trong trường ĐH mà là một hành trình học tập cả trong đời sống. Do đó hãy tận dụng mọi cơ hội để học hỏi được mọi thứ hữu ích. Các bạn cần tranh thủ để trải nghiệm văn hóa sở tại, lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng sống khác bằng việc mở rộng các hoạt động của mình như du lịch, tham gia đội nhóm, làm từ thiện… Ngoài ra, các bạn đừng mang tư tưởng nhược tiểu theo kiểu mình đến từ một quốc gia có nền kinh tế lẫn giáo dục kém phát triển nên ngại giao tiếp, đóng góp và thể hiện bản thân trong học tập lẫn các hoạt động xã hội. Ở đây, người ta không có thói quen phán xét người khác quá nhiều, do đó việc thể hiện bản thân một cách lịch sự, có văn hóa được ủng hộ, bất kể sự khác biệt.

 

Bình luận (0)