'Con bạn học dốt, bị bạn bè chê cười? Chỉ cần tham gia khóa học này phụ huynh sẽ giúp con mình học giỏi', 'Bạn có muốn nuôi dạy con toàn diện theo phương pháp của người Nhật?'… là những lời quảng cáo rất hấp dẫn thu hút sự quan tâm của phụ huynh.
Không có lý thuyết nào áp dụng cho mọi đứa trẻ, mỗi người có tố chất, năng lực riêng. MỸ QUYÊN
Anh Hoàng Tùng (chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con đang học lớp 1 và mầm non ở Q.Tân Phú, cho biết: “Tôi lúc đầu cũng rất quan tâm tới các lớp học được quảng cáo giúp nuôi dạy con tốt, giúp con học giỏi nên có tham gia vài khóa học. Sau tìm hiểu, tôi biết đa số các chuyên gia dạy mình toàn là người… chưa có con. Học xong mới thấy những bài học đó toàn là lý thuyết và rất khó áp dụng ở VN. Tôi nhận ra do nền tảng của mình không như thế, chính mình cũng không được giáo dục như vậy nên khó có thể áp dụng cho con mình. Hơn nữa, môi trường xung quanh khó giúp cho mình có cơ hội giáo dục con như vậy”.
Đánh trúng tâm lý phụ huynh
Anh Hoàng Tùng cho rằng, những lớp học ngày càng được quảng cáo tràn lan trên mạng, đánh trúng vào tâm lý của phụ huynh, thường là luôn muốn con mình giỏi, ngoan ngoãn, đạt điểm cao, không bị người khác chê cười, lớn lên thành công trong cuộc sống…
“Vì áp lực con phải đạt điểm cao quá lớn, nên phụ huynh không tiếc 500.000 – 1 triệu đồng, thậm chí hơn để đăng ký các lớp học như vậy, với khao khát về nhà áp dụng thành công. Nhưng tôi thấy không có lý thuyết nào có thể áp dụng cho mọi đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ có một tố chất, năng lực riêng, học giỏi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sự tập trung trên lớp, trí nhớ, khả năng quan sát, phân tích, khả năng tư duy, phương pháp dạy của thầy cô… Việc của cha mẹ là quan tâm, khuyến khích, động viên tinh thần con là đủ”, anh Hoàng Tùng nhìn nhận.
Chị Nguyễn Thu Hương có con đang học lớp 2 Trường tiểu học Phú Thọ Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng chia sẻ: “Con tôi luôn sợ ngồi vào bàn học, làm một bài toán hết cả nửa tiếng mà ra kết quả sai. Vì vậy khi trên mạng quảng có khóa học online giúp con “hết học dốt”, có thể thành tài, thông minh vượt trội, tôi bèn đăng ký ngay. Tôi làm theo lời chuyên gia, buổi tối bỏ hết công việc ngồi vào bàn học cùng con. Nhưng rốt cuộc chính tôi lại vẫn phải làm toán thay con. Tôi không thể áp dụng khóa học với con mình, vì cháu không có sự tập trung, không thích học toán… Những lời quảng cáo chỉ là đánh vào tâm lý phụ huynh có con học yếu như tôi, chứ thực ra hiệu quả không nhiều…”.
Cha mẹ cần lựa chọn thông minh
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Hồ Thanh Bình, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng bố mẹ muốn giúp con học giỏi là “phản khoa học”. Ông Bình nhận định: “Không ai có thể giúp ai giỏi được mà giỏi là do tự bản thân người đó giỏi. Cái này có rất nhiều sách về tâm lý giáo dục đã chứng minh. Các lớp học đã đánh tráo khái niệm để thu hút khách hàng một cách tinh vi và phản khoa học. Nó giống như quảng cáo "sữa giúp trẻ thông minh". Thực tế không có thực phẩm nào giúp con người thông minh hơn. Gia đình – nhà trường – xã hội là 3 yếu tố hỗ trợ cho trẻ hình thành nhân cách, tuy nhiên phải có sự phân công rõ ràng, không ai làm thay ai. Càng không thể học hộ con được. Cha mẹ chủ yếu khích lệ con học tập, tạo các điều kiện khách quan, thuận lợi cho con học thôi”.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, nhấn mạnh các bậc cha mẹ cần thông minh trước khi tiếp cận các khóa học đang xuất hiện tràn lan trên mạng. “Có những người chỉ đi học lập trình tư duy vài bữa rồi về mở khóa học như một chuyên gia, có người trước đó là dân kinh doanh nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh cũng mở khóa học rồi dùng những ngôn từ “câu view”, mua like và comment ca ngợi khiến phụ huynh lầm tưởng đó là khóa học uy tín, hiệu quả. Học hỏi để có phương pháp dạy con là cần thiết nhưng cần tìm hiểu kỹ người dạy là ai, có bằng cấp chuyên môn, có kinh nghiệm hay không”, tiến sĩ Thúy nói.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng lưu ý phụ huynh về những khóa học này, thường là chủ đề quảng cáo nghe rất hấp dẫn nhưng chỉ là “lừa phỉnh”, không giúp phụ huynh gặt hái được gì. “Có những nội dung được trình bày rất hời hợt, thậm chí vớ vẩn do người truyền đạt cũng chỉ đọc qua vài cuốn sách sau đó làm thành clip, không có sự nghiên cứu chuyên sâu, thiếu cơ sở khoa học, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy phụ huynh cần tìm hiểu kỹ, tránh việc không những mất tiền mà còn bị “rối loạn” trong quá trình dạy con”, tiến sĩ Điệp khuyên.
Ý kiến
Nên chú trọng phát triển kỹ năng mềm hơn là học giỏi
Tôi chỉ quan tâm nhiều về việc phát triển kỹ năng mềm của trẻ hơn là "học giỏi". Với sự phát triển của công nghệ thời nay, cũng như thế giới toàn cầu hóa, thì những tố chất như sự linh hoạt, sáng tạo, khả năng thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi, kỹ năng giải quyết vấn đề… mới là nền tảng cho sự thành công sau này. Trường học chỉ chủ yếu đào tạo về kỹ năng cứng, do đó bố mẹ muốn hỗ trợ con thì nên giúp con có được kỹ năng mềm thay vì tiếp tục nhồi nhét để con được khen là “học giỏi”.
Lê Muôn Xuân
(Giám đốc Chương trình ngôn ngữ, Tập đoàn giáo dục EF)
Dạy con tinh thần ham học, tự học
Quan điểm của vợ chồng tôi trong việc học kiến thức của con là đầu tư những gì con thích chứ không ép con làm những việc không thích. Nên trong việc học tôi để con tự lo, tự do, chúng tôi chỉ tạo điều kiện, động viên con có tinh thần ham học, tự học. Tôi muốn con được vui chơi và hoạt động thể chất nhiều hơn. Cái chúng tôi muốn đầu tư nhất là kỹ năng sống, nên thời gian buổi tối về nhà, ba mẹ cố gắng chơi, trò chuyện với con về kỹ năng. Chuyện học giỏi hay yếu còn là do tố chất và sự chăm chỉ, sự ham học hỏi. Thế nên đừng ép con mình, đừng tự tạo áp lực con mình phải có kết quả cao trong học tập.
Nguyễn Thùy Dương
(Phụ huynh ngụ tại chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) |
Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)