Theo công bố mới đây của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP.HCM, trên địa bàn TP hiện còn 37 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Trong đó có 19 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 18 vị trí nguy hiểm.
Sông Phước Kiểng có vị trí sạt lở dài 630 mét, là khu vực tập trung nhiều cụm dân cư sinh sống sát bờ sông, chưa chấp thuận di dời
Vị trí sạt lở tập trung đông dân cư
Theo kết quả rà soát của ban kiểm tra liên ngành (gồm Ban chỉ huy PCTT và TKCN TP, Sở GTVT và UBND các quận huyện), tính đến thời điểm hiện tại cho thấy TP.HCM có 37 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn 8 quận huyện gồm quận 2, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Trong số 37 vị trí sạt lở này, thì có 33 điểm sạt lở cũ và 4 vị trí mới phát sinh trong năm 2019. Trong đó có 19 vị trí ở mức độ “đặc biệt nguy hiểm” và 18 vị trí “nguy hiểm”. Địa phương đứng đầu trong danh sách này là huyện Nhà Bè với 12 vị trí sạt lở (7 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 5 vị trí nguy hiểm). Đứng thứ nhì là huyện Cần Giờ với tổng cộng 6 vị trí sạt lở (3 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 3 vị trí nguy hiểm). Tiếp theo là quận 2 với 5 điểm sạt lở, Bình Thạnh và Thủ Đức mỗi địa phương có 4 điểm, Bình Chánh 3 điểm, Hóc Môn 2 điểm và thấp nhất là quận 8 với 1 điểm sạt lở.
Các vị trí sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm hoặc nguy hiểm đa phần là những khu vực đông dân cư sinh sống sát bên bờ kênh rạch… Tiêu biểu như địa bàn huyện Nhà Bè, vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm được xác định ở bờ trái cầu Phước Lộc về phía hạ lưu + 1.000 mét trên rạch Ông Lớn 2 – Phước Kiểng – Mương Chuối, với hai đoạn sạt lở dài 200 mét và 415 mét đều có đông dân cư sinh sống. Tương tự, vị trí sạt lở ở ngã 3 kênh Cây Khô – bến Tắc Rô dài 100 mét cũng là nơi có nhiều nhà dân sống sát mép bờ cao rạch. Một trong những vị trí sạt lở có mức độ nguy hiểm là sông Phước Kiểng với chiều dài đến 630 mét (bờ trái từ cầu Long Kiến về thượng lưu 100 mét, về hạ lưu 630 mét). Đây là khu vực tập trung nhiều cụm dân cư sinh sống sát bờ sông, chưa chấp thuận di dời… Trên địa bàn huyện Bình Chánh, vị trí sạt lở tại rạch Xóm Củi dài 570 mét (bờ trái thượng lưu cầu Xóm Củi + 100 mét, xã Bình Hưng) cũng nằm trong danh sách mức độ đặc biệt nguy hiểm, và là nơi tập trung 146 hộ dân, trong đó có 25 hộ nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Để khắc phục tình trạng này, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang thi công dự án Xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi.
Đầu tư xây dựng các dự án phòng chống sạt lở
Theo đánh giá của ban kiểm tra liên ngành, tiến độ thực hiện các dự án kè chống sạt lở trên địa bàn TP còn chậm. Cụ thể tính đến tháng 9-2019, tại 37 vị trí sạt lở mới chỉ có 1 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 22 dự án đang được triển khai, 6 dự án đã được phê duyệt nhưng chưa khởi công do vướng giải tỏa mặt bằng, 6 dự án đang trong giai đoạn duyệt lập hồ sơ dự án, 1 vị trí chưa có dự án… Điều đáng lo là hiện có đến 18 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tình trạng này chưa được kéo giảm đáng kể, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân tại các khu vực xung yếu. Bên cạnh đó, còn có một số dự án kè trong quá trình lập hồ sơ dự án, chủ đầu tư chưa khảo sát, đánh giá đầy đủ về địa hình, địa chất, thủy văn dẫn tới đề xuất phương án thiết kế kỹ thuật không đảm bảo an toàn, ổn định cho công trình nên trong quá trình thi công gây sự cố sụt lún, sạt lở nên phải điều chỉnh dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kè phòng chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, nhằm góp phần kéo giảm điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn TP xuống mức thấp nhất, Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN TP kiến nghị UBND TP có ý kiến chỉ đạo các chủ đầu tư gồm Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư 21 dự án/21 vị trí sạt lở), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP (chủ đầu tư 2 dự án/3 vị trí sạt lở), cùng các UBND quận 2, quận Thủ Đức, huyện Cần Giờ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án thuộc thẩm quyền. Đồng thời thẩm định nguyên nhân gây sự cố tại dự án đang thi công ở huyện Cần Giờ; khẩn trương tìm giải pháp khắc phục sự cố sạt lở đê bao của gói thầu 4A thuộc dự án Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn. Phối hợp trong công tác này, Ban chỉ huy PCTT và TKCN TP cũng đề nghị UBND TP giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận huyện đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án; tăng cường chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép; tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ bờ sông; tuyên truyền cho người dân biết cách chủ động phòng tránh, ứng phó khi xảy ra sạt lở; xây dựng và triển khai phương án ứng phó và xử lý cấp bách khu vực sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Bích Vân
Bình luận (0)