Từ trong phong trào khuyến khích toàn xã hội học tập đã có không ít những cá nhân đơn vị điển hình tiêu biểu cống hiến sức mình dù đang làm việc hay đã nghỉ hưu…
Nét nổi bật của phong trào khuyến học phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1 là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Hội Khuyến học và Trung tâm Học tập cộng đồng. Ban Chấp hành hội nhận thấy việc xây dựng và phát triển trung tâm học tập cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng đồng thời là công cụ thiết yếu để xây dựng nền móng xã hội học tập. Đó cũng là thiết chế giáo dục gần dân nhất vì nếu ai cần gì thì được học nấy. Cầu nối giữa 2 đơn vị đó không ai khác chính là chị Lương Thị Minh Nguyệt – Chủ tịch Hội Khuyến học của phường.
Tuy là một địa bàn nhiều dân lao động nghèo nhưng Hội Khuyến học Q.6 đã biết tham mưu và liên kết với các cấp chính quyền địa phương để mở rộng đường cho hoạt động khuyến học. Theo chị Đặng Thị Vuôn (Chủ tịch hội), hội phải làm nòng cốt chủ động phối hợp đồng bộ, liên kết với mặt trận Tổ quốc và có kế hoạch liên tịch. Nếu cán bộ hội thiếu chịu thương chịu khó và không kiên trì thì khó mà kéo phong trào lên được.
Là một huyện vùng ven dân trí thấp kinh tế nghèo nàn, người dân xã Tân Kiên, H.Bình Chánh phải đối mặt với bao khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên để “châm ngòi nổ” cho phong trào hiếu học, Ban Chấp hành hội mà cụ thể là chị Đặng Thị Hà Liên (Chủ tịch Hội Khuyến học xã) đã tập trung xây dựng dòng họ hiếu học và đạt kết quả tốt. “Để các dòng họ đạt chuẩn dòng họ hiếu học, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các dòng họ để phấn đấu đạt các tiêu chí quy định 60% trong gia đình, trong dòng họ có hội viên Hội Khuyến học; có 30% gia đình trong dòng họ đạt Gia đình hiếu học”, chị Liên chia sẻ.
Mang một phong cách riêng, Ban khuyến học Hội quán Tuệ Thành, Q.5 tuy nghiêng về phạm vi gia đình nhưng lại có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Hoa. Điều mà hội quán quan tâm nhất là dành hàng trăm suất học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học, học bổng khuyến học khuyến tài với trị giá gần 1,4 tỷ đồng. Chỉ là một thành viên trong Ban khuyến học hội quán nhưng bác Lư Chấn Lợi lại là người năng nổ tích cực nhất để tìm các nguồn tài trợ học bổng với mong muốn giúp các cháu không bỏ lỡ cơ hội đến trường tiếp tục đi học để tương lai được thoát nghèo.
Để có được phong trào khuyến học mạnh mẽ như trong thời gian ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương là sự cống hiến hết mình của những người thường được mệnh danh là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”…
Hương Thủy
Bình luận (0)