Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đồng bằng sông Cửu Long: Báo động sạt lở bờ sông, bờ biển

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và lao động sản xuất của người dân. Tình trạng này cũng đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước báo động.

Có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển

Qua nghiên cứu của Trung tâm Quản lý quốc tế môi trường, hàng năm tổng lượng bùn cát đọng lại trên sông Mekong từ trạm Kratie (Campuchia) trở ra biển khoảng 12-18 triệu m3, trong khi số liệu thống kê của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tại 13 tỉnh – thành ĐBSCL cho thấy việc khai thác cát trên sông Cửu Long hàng năm khoảng 28 triệu m3, gấp 2 lần lượng cát từ Kratie chuyển tải về.

Hậu quả từ những tác động trên là: Làm thay đổi chế độ thủy văn của nước sông, mùa lũ đến muộn hơn. Chất lượng nước tại các dòng sông suy giảm do một lượng lớn phù sa và các chất dinh dưỡng kèm theo bị các đập thủy điện chặn lại. Lượng trầm tích được vận chuyển đến vùng ven biển thay đổi kết hợp bị ô nhiễm, đã tác động trực tiếp đến nhiều giống loài động, thực vật, đặc biệt là các loại  thủy sinh vùng rừng ngập mặn ven biển. Lượng nước ngọt từ sông Cửu Long đổ ra biển bị sụt giảm khiến việc xâm nhập mặn từ biển càng vào sâu trong nội địa. Làm bạc màu và suy thoái các vùng đất châu thổ, tác động đến năng suất nông nghiệp. Việc khai thác cát khiến tình trạng xói lở diễn ra với tần suất và qui mô ngày càng tăng, quá trình này sẽ nghiêm trọng hơn do nước biển dâng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. TS. Đào Trọng Tứ, cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cảnh báo: “ĐBSCL có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450km. Hầu hết bờ biển của khu vực châu thổ này đều bị xói lở với nhiều mức độ khác nhau. Mỗi năm sạt lở làm mất đi 500ha đất của vùng với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển từ 30-40m/ năm. Như vậy mỗi năm khu vực mất đi diện tích đất tương đương với diện tích một xã. Dự báo đến năm 2050, sẽ có khoảng 1 triệu người ở ĐBSCL bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất”.

Một vụ sạt lở bờ sông xảy ra tại quận Cái Răng, Cần Thơ

Ông Marc Goichot, chuyên gia của Tổ chức WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam), bổ sung: “Nếu không được bảo vệ hiệu quả, một phần của ĐBSCL sẽ biến mất”.

Nhanh chóng “cứu” đồng bằng

Do vậy để “cứu” đồng bằng, việc khai thác tài nguyên (trầm tích, nước ngầm, rừng ngập mặn…) tại khu vực cần được quản lý tốt để đảm bảo ĐBSCL không bị sụt lún dần và giảm thiểu bị biển xâm thực. Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia thì Mekong là con sông quốc tế. Để châu thổ sông Mekong có thể phát triển bền vững và ứng phó thuận lợi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì các dự án xây dựng đập phải được xem xét một cách thận trọng nhất. GS. Trân nhấn mạnh: “Việc khai thác nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn phải đi đôi với trách nhiệm về mọi biến động trong toàn bộ lưu vực mà việc khai thác này gây ra. Lợi ích của một quốc gia trong lưu vực không thể tách rời lợi ích của các quốc gia khác trong cùng lưu vực. Hợp tác để cùng phát triển bền vững là cần thiết”.

PGS.TS Đinh Công Sản, Viện Khoa học  thủy lợi miền Nam, trăn trở: Theo qui hoạch phát triển kinh tế các tỉnh – thành khu vực ĐBSCL từ năm 2011 đến năm 2020, các địa phương cần khoảng 1 tỷ m3 cát để xây dựng những khu công nghiệp, khu dân cư, trong khi trữ lượng cát tại đây chỉ có 816 triệu m3… Do vậy ngoài khuyến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật, rất cần phát huy ưu thế, vai trò giám sát xã hội của nhân dân trong tham gia quản lý hoạt động này. Ngoài ra do: “Trong tương lai nguồn cát bồi lắng trên sông Cửu Long chắc chắn sẽ bị giảm đáng kể. Để có thể đảm bảo nhu cầu về cát (xây dựng và san lấp) phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cần nghiên cứu nguồn cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Nguồn cát khai thác chỉ phục vụ xây dựng, không được dùng để san lấp nền” – PGS.TS Đinh Công Sản kiến nghị.

Bài, ảnh: Đan Phượng

Nhiều vụ sạt lở tại quận Cái Răng

Mới đây, tại khu vực 5, phường Ba Láng (Cái Răng) tiếp tục xảy ra sạt lở làm 1 căn nhà đổ sụp xuống sông và đường giao thông nông thôn bị cắt đứt. Trước đó, rạng sáng 19-6, trên tuyến giao thông nông thôn (cặp sông Bến Bạ) phường Tân Phú (Cái Răng) xảy ra sạt lở bờ sông dài khoảng 30m, sâu vào trong gần 6m làm ách tắc giao thông khi qua đoạn đường này. Và ngày 26-5, cũng trên địa bàn quận Cái Răng đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng trên đường Võ Tánh, phường Lê Bình làm cuốn trôi 3 nhà dân và hơn 50m đường giao thông sụp xuống sông. Ông Trương Thành Đạt, Phó chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết, quận đang đề nghị cấp trên làm bờ kè đoạn này dài trên 250m. Những khu vực có nguy cơ sạt lở mà không có nhà dân thì cắm biển cảnh báo để người dân phòng tránh.

T.G

 

Bình luận (0)