Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Hiểm nguy rình rập ở những cầu vượt

Tạp Chí Giáo Dục

Hạ tầng giao thông TP.HCM trong những năm gần đây đã thay da đổi thịt bởi sự ra đời của hàng loạt cầu vượt giao lộ, cầu vượt sông có cấu trúc hình nan hoa, đẹp và hiện đại. Tuy nhiên, sau vụ TNGT khiến 2 nạn nhân bị văng khỏi lan can cầu rơi xuống đất tử vong tại cầu vượt Thuận Phước ở Đà Nẵng vừa qua, người dân ở TP.HCM cũng bắt đầu lo ngại khi lưu thông trên hệ thống cầu vượt này.

Cầu vượt đô thị: Lo vì lan can thấp

Tính đến năm 2013, trên địa bàn TP.HCM đã có 6 cầu vượt bằng thép được đưa vào sử dụng với tổng số vốn xây dựng gần 1.500 tỷ đồng, nhằm giải quyết bài toán kẹt xe ở các giao lộ. Thực tế cho thấy vấn đề ùn tắc ở các giao lộ ngã tư Thủ Đức, Hàng Xanh, ngã sáu Nguyễn Tri Phương – 3-2, vòng xoay Lăng Cha Cả, Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám và vòng xoay Cây Gõ đã được giải quyết khá ổn thỏa nhờ sự hiện hữu của các cây cầu vượt ở đây. Tuy nhiên, vụ TNGT thảm khốc ở cầu Thuận Phước bỗng chốc khiến chị Mai Thị Linh (ngụ đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình) lo lắng hơn chục ngày qua, đến nỗi gia đình chị đã “tránh lưu thông qua cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả để hạn chế rủi ro vì ngày nào cũng đưa đón hai con qua nhà bà ngoại gửi rồi mới đi làm”. Theo quan sát của chúng tôi, lan can cầu vượt vòng xoay Lăng Cha Cả có chiều cao 90cm, được các chuyên gia nhận định là cây cầu vượt có lan can thấp nhất so với các cầu vượt khác ở TP. Trong khi đó, cầu vượt ngã sáu Nguyễn Tri Phương – 3-2 là cầu có chiều cao lan can cao nhất cũng chỉ đạt 1,1m.

Cầu vượt sông: Đã từng xảy ra thương vong

Còn nhớ vào ngày 3-12-2009, anh Nguyễn Giang Sang điều khiển xe máy chở anh Nguyễn Hồng Phúc và Nguyễn Trí Quang lưu thông trên cầu Nguyễn Văn Cừ, khi rẽ vào nhánh cầu cong dẫn về quận 4, do không làm chủ được tay lái nên anh Sang đã tông thẳng vào thành cầu khiến cả người và xe văng qua lan can rơi xuống sông. Anh Sang và Phúc may mắn được cứu vớt kịp thời, còn anh Quang thì tử vong vì bị nước cuốn trôi.

Cầu vượt sông Nguyễn Văn Cừ đã được bổ sung lưới an toàn nhằm bảo vệ người lưu thông khi gặp sự cố cũng không bị rớt xuống sông

Nói về vấn đề này, đại diện Công an phường 1, Q.4 cho biết cầu Nguyễn Văn Cừ (nối từ Q.1 và Q.5 qua Q.4 và Q.8) được khánh thành vào ngày 28-4-2009, tính từ khi khánh thành đến cuối năm đã xảy ra 5 vụ tai nạn tại khúc cua gấp trên do người điều khiển xe tự tông vào lan can cầu và rơi xuống sông. Do đó, nhằm bảo vệ người lưu thông, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã gia công thêm lưới chắn an toàn có chiều cao 1,1m trên nền lan can 90cm sẵn có ở nhánh cầu hướng sang Q.4. Tương tự như cầu Nguyễn Văn Cừ, nhánh cong N1 của cầu Thủ Thiêm cũng từng xảy ra một số vụ gây thương vong, trong đó có vụ tai nạn khiến nạn nhân bị hất bay qua khỏi lan can rớt xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh cách cầu 4,7m. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng đã rào lan can bằng lưới B40, tăng gờ giảm tốc, lắp biển báo hiệu, dán phản quang, lắp đèn chớp nhoáng ở cầu Thủ Thiêm để cảnh báo người dân.

Cần có giải pháp trước mắt và lâu dài

Bàn về vấn đề này, chuyên gia giao thông, tiến sĩ Phạm Sanh lưu ý hiện nay nước ta chưa có tiêu chuẩn thiết kế cầu vượt đô thị và hiện Bộ GTVT đang áp dụng tiêu chuẩn cầu vượt sông theo tiêu chuẩn 2,205 (tiêu chuẩn số 22, ra đời năm 2005). Tiêu chuẩn cầu vượt sông này nói rõ, đối với cầu có xe 2 bánh (xe gắn máy, xe đạp) lưu thông thì lan can cầu phải có chiều cao tối thiểu là 1,4m và cần bổ sung lưới rào an toàn ở những điểm cần thiết. Mặt khác, theo tiêu chuẩn thiết kế của thế giới hiện nay, để đảm bảo an toàn cho cầu vượt, thì đối với cầu vượt có xe 2 bánh lưu thông buộc phải có chiều cao tối thiểu của lan can cầu là 1,4m và cầu vượt dành cho người đi bộ trong đô thị là 1,1m. Riêng cầu vượt ở các nút giao thông lớn như ở TP ta thì cần gia cố thêm lưới an toàn, phù hợp mỹ quan và có thể cao đến 2,4m. Như vậy nếu so với tiêu chuẩn thiết kế trên, thì chiều cao lan can các cây cầu vượt ở TP.HCM như đã nêu trên là chưa phù hợp.

Do đó, để góp phần đảm bảo an toàn cho người lưu thông, tiến sĩ Phạm Sanh cho rằng ngành giao thông TP, Ban ATGT TP cần nhanh chóng có giải pháp nâng cao chiều cao của lan can cầu hoặc bổ sung lưới rào an toàn kết hợp với thẩm mỹ đô thị. Lợi ích của lưới an toàn vừa bảo đảm an toàn cho người dân, vừa ngăn chặn được tình trạng vứt rác, vứt đồ đạc hoặc thậm chí khạc nhổ bừa bãi làm ảnh hưởng đến những người lưu thông bên dưới.

Bài, ảnh: Bích Vân

Bên cạnh giải pháp trước mắt, theo tiến sĩ Phạm Sanh, Bộ GTVT cần có giải pháp lâu dài là nên bổ sung các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn thiết kế cầu trong đô thị theo thông lệ thế giới, nhằm góp phần giải quyết vấn đề một cách triệt để và có hiệu quả vững bền.

 

Bình luận (0)