Tòa soạnThư đi – tin lại

Sinh viên khó hội nhập vì “đứng trên mây”

Tạp Chí Giáo Dục

Bao nhiêu năm qua, câu chuyện yếu kỹ năng, ngoại ngữ, trải nghiệm nghèo nàn của sinh viên nước ta vẫn liên tục để lại ấn tượng không đẹp trong doanh nghiệp tuyển dụng. Thay vì chịu khó trải nghiệm, chủ động học hỏi ngay từ những việc giản đơn như sửa văn bản, gửi thư… thì các em lại mơ quá cao, thậm chí kiêu và… “đứng trên mây” như cách ví của một doanh nghiệp.

Nếu không tức tốc chuẩn bị ngay từ bây giờ, có thể sinh viên Việt sẽ không “trụ” vững, thậm chí thua cuộc đau đớn khi bước vào hội nhập.

Thích marketing, 3 năm không… xem quảng cáo

Đại diện một doanh nghiệp ngậm ngùi cho rằng qua quá trình tiếp xúc ông nhận thấy nhiều sinh viên nước ta rất… kiêu. Các em mơ quá cao, thậm chí “đứng trên mây” trong khi không tổ chức hiệu quả việc vừa khởi nghiệp vừa học nên bàn giao cho thị trường những sản phẩm thiếu hụt… chất xám.

Bà Văn Thị Anh Thư – Phó tổng giám đốc cấp cao, nhân sự Suntory PepsiCo – dẫn chứng một tình huống thực tế, sinh viên khi trả lời phỏng vấn tuyển dụng tỏ ra rất yêu thích công việc marketing, xuất phát từ việc xem quảng cáo từ nhỏ. Theo em này, mỗi mẩu quảng cáo đều chuyển tải thông tin lý thú về sản phẩm đến người tiêu dùng. Thế nhưng khi được hỏi thêm về mẩu quảng cáo em ấn tượng nhất trong thời gian gần đây, ứng viên cho biết đã ngừng xem quảng cáo được… 3 năm. Đồng thời, em cũng không cập nhật kiến thức văn hóa, xã hội mà chủ yếu chỉ lên mạng tìm hiểu những nội dung liên quan đến chương trình học trên lớp.

Đại biểu trao đổi, thảo luận về hướng phát triển nhân lực chất lượng cao trong xu thế hội nhập ASEAN, tại hội thảo

Bà Thư cho rằng, điều này khiến doanh nghiệp băn khoăn, ái ngại. Bởi trong nghề nghiệp, không chỉ có đam mê, điều quan trọng còn ở quá trình đầu tư xuyên suốt các kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ… Đại diện các doanh nghiệp khác cũng chỉ ra, sinh viên các nước có nhu cầu thực tập từ rất sớm. Toàn bộ quá trình thực tập các em làm việc như một nhân viên thực thụ. Kèm theo đó, các kỹ năng, ngoại ngữ cũng được các em trang bị kỹ càng ngay từ đầu. Trong khi đó, đối với sinh viên nước ta, điều này chưa thật sự được chú ý. Thiếu sự chủ động chuẩn bị kỹ năng, ngoại ngữ khiến nhiều bạn trẻ lúng túng, không vượt qua được yêu cầu gắt gao của nhà tuyển dụng. Đặc biệt, nhiều em trải qua thời sinh viên “êm ả”, đến khi ứng tuyển công việc thì “mất điểm” ngay từ vòng đầu vì “trắng” kinh nghiệm. Đây cũng là bất lợi lớn cho sinh viên khi nước ta gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cạnh tranh lao động khu vực gay gắt.

Lăn vào thực tế để trải nghiệm

Theo bà Anh Thư, yêu cầu kinh nghiệm đối với ứng viên không phải tính bằng số năm làm việc mà là những gì các em lĩnh hội được qua trải nghiệm các hoạt động thực tiễn, trong đó có cả những “bài học xương máu” từ… thất bại.

Chị Hoài Thương (cựu sinh viên Trường ĐH Quốc tế, hiện đại diện cho một doanh nghiệp) khuyến cáo, sinh viên không dễ để được đảm trách hay tham gia vào những bộ phận làm việc quan trọng của các công ty trong quá trình thực tập, vì vậy việc tích lũy kinh nghiệm có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như chỉnh sửa văn bản, gửi thư… Kỹ năng các em có được từ việc nhỏ này hoàn toàn hữu ích cho công việc về sau. Đại diện doanh nghiệp khác cũng chia sẻ kinh nghiệm bản thân, suốt năm đầu tiên làm nhân viên cho công ty kiểm toán, ông chỉ được thực hiện “cộng, trừ, nhân, chia” các con số, tuy có nhàm chán nhưng đây thực sự lại xây dựng nền tảng, trải nghiệm tốt cho thời gian tiếp theo. Theo đại diện này, doanh nghiệp thực sự tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm thông qua thời gian làm việc ổn định. Thay vì nhảy việc liên tục sau 6 tháng hoặc 1 năm, ứng viên nên xác định rõ lĩnh vực phù hợp và đầu tư luyện kỹ năng, trải nghiệm. Nhất là trong giai đoạn hội nhập, ngoại ngữ và kỹ năng là công cụ cạnh tranh thiết yếu.

Ý kiến khác cũng khẳng định, ngay cả khi non kinh nghiệm, sinh viên vẫn có lợi thế nổi trội khác là sức trẻ, sự năng động, say mê học hỏi và không ngại thất bại. Ông Đinh Nhật Nam – thành viên Hội đồng quản trị, Sáng lập chuỗi cà phê Urban Station – chia sẻ cách khởi nghiệp táo bạo cho những sinh viên non kinh nghiệm, đó là tự tìm vốn lập dự án kinh doanh. Đối mặt với nhiều áp lực, xử lý muôn vàn tình huống phát sinh, chạy đua với doanh thu… sinh viên sẽ làm giàu thêm trải nghiệm thực tiễn. Ông Nam dẫn chứng sinh động bằng câu chuyện khởi nghiệp của bản thân ngay từ thời sinh viên năm 3 với 50 triệu đồng vốn dành dụm từ làm thêm. Hoạt động kinh doanh tưởng chừng không trụ nổi qua 2 năm đầu vì đứng trước quá nhiều khó khăn, song nhờ thay đổi chiến lược, đã đi qua được sóng gió.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bà Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội – cho rằng, việc trường ĐH thay đổi chương trình đào tạo hằng năm là rất khó. Điều quan trọng, trường cần đào tạo cho sinh viên khả năng thích nghi, khả năng đưa ra giải pháp cho những vấn đề xuất hiện trong quá trình học, biết tự trang bị gì cho phù hợp lĩnh vực công việc đảm nhiệm…

 

Bình luận (0)