Làm phim hoạt hình tái hiện lại những câu chuyện lịch sử, các cuộc chiến tranh trong thời phong kiến… là cách học trực tuyến môn lịch sử – địa lý của hơn 200 học sinh lớp 6 Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) qua dự án “Rạng ngời sử Việt”.
Hình ảnh trong các bộ phim hoạt hình do học sinh thiết kế
“Rạng ngời sử Việt” là dự án dạy học tích hợp liên môn lịch sử – địa lý, ngữ văn, mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh và tin học. Học sinh sẽ hóa thân thành những nhà biên tập phim hoạt hình, biên tập một bộ phim hoạt hình có tương tác để giới thiệu về một sự kiện lịch sử Việt Nam (từ thế kỷ III trước công nguyên đến thế kỷ X). Thông qua dự án, học sinh sẽ giải quyết các vấn đề: Khi học môn lịch sử – địa lý Việt Nam giai đoạn trên có những hình thức học tập nào để tạo sự hứng thú và đam mê học hỏi cho học sinh lứa tuổi 10-12; những nhà biên tập phim đã truyền tải kiến thức lịch sử – địa lý Việt Nam từ đó như thế nào?…
Trao quyền cho học sinh sáng tạo
Trưởng nhóm dự án, thầy Nguyễn Đức Trí (giáo viên môn lịch sử) cho hay, đây là năm thứ 3 dự án “Rạng ngời sử Việt” tiếp tục được thực hiện. Trong bối cảnh dịch Covid-19, thầy trò dạy và học bằng hình thức trực tuyến, do đó việc duy trì dự án mang nhiều ý nghĩa tích cực. “Năm nay là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6. Lịch sử – địa lý trở thành môn học mới, khi dự án tiếp tục được triển khai, học sinh sẽ thấy không gian địa lý vẫn gắn kết với lịch sử. Cạnh đó, dự án còn giúp làm mới không gian học tập, tạo môi trường để các em tương tác, phát huy sự sáng tạo”, thầy Trí chia sẻ.
Tham gia vào dự án, học sinh mỗi lớp (có 6 lớp 6) được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm có 3 vai trò: xây dựng kịch bản; sáng tạo nghệ thuật; xây dựng câu chuyện, lập trình, dựng phim từ chính sự kiện lịch sử. Đặc biệt, trước khi thiết kế sản phẩm, mỗi nhóm khảo sát ý kiến ba mẹ để thấy được mong muốn của ba mẹ về một câu chuyện lịch sử kể như thế nào. “Trong nhiều video hoạt hình, học sinh lập trình nhân vật di chuyển ngây ngô lắm nhưng đó là cái thực chất nhất với lứa tuổi của các em. Điều quan trọng là khi được trao quyền, học sinh sẽ thiết kế việc học kiến thức lịch sử theo cách mà các em mong muốn. Khó ở đâu các em sẽ gỡ ở đó, các em được sáng tạo, trang bị tư duy thiết kế, được học cách làm việc nhóm ngay cả khi học trực tuyến tại nhà”, thầy Trí cho biết.
Đặc biệt, thầy Trí đánh giá, cái hay của dự án năm nay là học sinh làm việc hoàn toàn trên môi trường ảo, sản phẩm thiết kế là các file. Mỗi phim hoạt hình, các em đều phân ra từng phân cảnh. Trong quá trình làm dự án, các em ghi lại nhật ký dự án theo từng tuần. Trước khi dự án ra đời, ban chuyên môn phản biện dự án đã công khai đưa ra các tiêu chí đánh giá. Việc đánh giá còn dành một số điểm nhất định để học sinh các nhóm đánh giá chéo, hay học sinh trong nhóm đánh giá lẫn nhau. Do là dự án tích hợp liên môn nên tùy từng môn sẽ được tính theo những thang điểm khác nhau.
“Không chỉ thầy cô quyết định, đánh giá, tỷ lệ điểm của học sinh còn do chính các em tự đánh giá, nhìn nhận. Khi làm dự án, các em đều tiếp cận nguồn tài nguyên như nhau, tiếp cận tiêu chí đánh giá như nhau. Thế nhưng, vượt lên đó là sự sáng tạo, nỗ lực của học sinh. Mỗi lớp có những nhóm trội hẳn lên. Tuy sản phẩm chưa thực sự tròn trịa nhưng các em đã nói lên tiếng nói của mình dựa trên sự mong đợi của ba mẹ”, thầy Trí cho hay.
Học lịch sử như đang xem phim hoạt hình
Bày tỏ sự thích thú khi học tập theo hình thức dự án, Đức Minh (lớp 6A3) chia sẻ, qua dự án bản thân em thấy lịch sử và địa lý có mối liên hệ gắn kết với nhau, kiến thức lịch sử hiện lên sinh động, dễ hiểu. “Học lịch sử như đang xem phim hoạt hình vậy. Ngoài ra, khi thực hiện dự án còn trang bị cho em thêm nhiều kỹ năng về lập trình, thiết kế, làm việc nhóm…, biến việc học online tại nhà không còn nhàm chám”, Đức Minh cho biết.
Hỗ trợ học sinh lập trình, thiết kế video, tạo hình nhân vật lịch sử, thầy Nguyễn Đình Phụng (giáo viên môn tin học) đánh giá, dù học trực tuyến nhưng học sinh đã nắm được kiến thức, vận dụng các kiến thức tin học để lập trình, thiết kế, làm game, biến những kiến thức lịch sử thành các câu chuyện hoạt hình thú vị… Các nhóm đã thể hiện rất tốt, cùng nhau cộng tác, biết cách vận dụng nhiều công cụ hỗ trợ. Ngoài kiến thức tin học trong chương trình, các em còn mày mò kiến thức mới, chọn lọc sử dụng phù hợp. “Đôi khi dù cùng thực hiện một chủ đề, thế nhưng chỉ có tinh thần nhân vật là giữ nguyên, còn cách thể hiện của mỗi nhóm lại hoàn toàn khác từ việc thiết kế, tạo hình nhân vật. Ví dụ, cùng kể về Hai Bà Trưng song các nhóm lại có cách vẽ hình, lập trình khác, thể hiện sự sáng tạo của các em. Tới đây, dự án sẽ có một kênh Youtube riêng, các sản phẩm của học sinh qua 3 năm được đưa lên, giúp việc học lịch sử sẽ nhẹ nhàng, thoải mái hơn”, thầy Phụng cho hay.
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)