Mặc dù chịu tác động mạnh do dịch Covid-19 nhưng trong năm 2021, TP.HCM đã thu hút vốn đầu tư mạo hiểm uớc tính 1,1 tỷ USD, chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm trên cả nước.
Hoạt động giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp ứng dụng công nghệ AI tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)
1,1 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm
Thông tin này được bà Chu Hải Vân (Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM) đưa ra tại buổi tổng kết hoạt động năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Sở KH-CN TP.HCM. Bà Vân khẳng định, năm 2021 có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến hoạt động khoa học công nghệ. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, tuy nhiên trước những khó khăn, thách thức đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã tiên phong với các giải pháp công nghệ ứng phó dịch bệnh. “Năm 2021, TP.HCM đã thu hút vốn đầu tư mạo hiểm ước tính 1,1 tỷ USD, chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm trên cả nước. Kết quả này cho thấy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã có những bước tiến đáng kể”, bà Vân nói.
Năm 2021, TP.HCM tăng 46 bậc, giữ vị trí 179 trong bảng xếp hạng 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Đây là bảng xếp hạng được StartupBlink, Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu công bố cho khoảng 1.000 thành phố và 100 quốc gia trên thế giới. |
Theo Sở KH-CN TP.HCM, tính đến năm 2021, TP có 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và 19 không gian đầu tư với khoảng 2.000 startup. Điều đáng ghi nhận là trong số 2.000 startup có đến 65% startup hoạt động trong lĩnh vực CNTT và 21% là các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến lương thực thực phẩm… Giữa bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vẫn đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo trong năm 2021 là 33,6%, trong đó tập trung vào hoạt động đổi mới về phương pháp quản lý và đổi mới quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ. Từ những kết quả đạt được trong năm 2021, Sở KH-CN TP.HCM tiếp tục thực hiện các giải pháp tối ưu cho hoạt động khoa học công nghệ. Theo đó, sẽ tập trung tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ cho các chương trình trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội mà TP đã đề ra. Năm 2022, TP sẽ hình thành Viện Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những hoạt động quan trọng về khoa học công nghệ của TP nhằm kết nối, xây dựng mạng lưới, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. “Đây cũng là kênh hỗ trợ hoạt động thương mại hóa, chuyển giao công nghệ, đưa các công trình, sản phẩm công nghệ gần hơn với cuộc sống cũng như đầu tư hiệu quả cho doanh nghiệp”, bà Chu Hải Vân kỳ vọng.
Nhiều nguồn lực đầu tư cho khởi nghiệp
Ở góc độ doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1) chia sẻ, tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ có cơ hội và tiềm năng khởi nghiệp rất lớn, tuy nhiên chưa hoặc chậm phát triển là do chưa thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, họ cũng cần có một khung chính sách để vận hành.
Trong khi đó, với vai trò là đơn vị kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với nhà đầu tư, ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM – Saigon Innovation Hub, SIHUB) đánh giá, năm 2022, hệ sinh thái startup Việt Nam sẽ hội tụ đủ điều kiện để đầu tư khởi nghiệp. “Năm 2022, SIHUB và Viet Lotus cùng nhau tiếp tục xây dựng chương trình tăng tốc dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây sẽ là một kênh giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và kết nối với thị trường”, ông Tước cho biết.
HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP VIỆT NAM Theo báo cáo của Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ (Bộ KH-CN), mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại do tác động của dịch Covid-19 nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày một tăng lên. Tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 3.800 startup, trong đó có 11 startup được định giá trên 100 triệu USD. Theo đó, có nhiều lĩnh vực thu hút đầu tư lớn tại Việt Nam như công nghệ tài chính, công nghệ nhân sự, công nghệ bất động sản, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, thương mại điện tử… Hiện nay có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo… Đặc biệt là có hơn 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư tài chính cho startup, trở thành khách hàng và đối tác của startup cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn, kết nối mở rộng thị trường, dẫn dắt và tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp… Trong đó, một số cá nhân, tổ chức đã đứng ra tập hợp và hình thành mạng lưới kết nối nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Từ cơ sở đó đã đưa hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong khu vực Asean, chỉ sau Singapore và Indonesia. A.Trần |
Tại chương trình gặp gỡ 2022: Đầu tư vào thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do SIHUB tổ chức mới đây, ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ, Bộ KH-CN) nhìn nhận: “Hiện nay doanh nghiệp lớn trong nước đã đầu tư thành công trong những lĩnh vực khác sẽ trở thành nhà đầu tư cho đổi mới sáng tạo công nghệ, hình thành các nhà đầu tư nội địa. Đổi mới sáng tạo vẫn chủ yếu dựa vào sự tự thân của người trẻ và trông đợi nhiều vào các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Trong khi đó, nguồn lực trong nước dù có nhiều nhưng chưa được khai phá”.
Ông Quất thông tin thêm, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures). Với khoản tài trợ 1 triệu USD dành cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, từ 2021-2023, dự án này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn viện trợ và đầu tư. Theo đó, những đối tượng ưu tiên của dự án là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực: công nghệ sạch; công nghệ tài chính; nông nghiệp và y tế. Dự kiến sẽ có 15 ý tưởng kinh doanh khả thi được thử nghiệm trong hợp phần dự án Hỗ trợ kỹ thuật thử nghiệm công nghệ (ADB Ventures Lab) và 10 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ trong hợp phần hỗ trợ kỹ thuật hạt giống.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)