Trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT, lịch sử thuộc nhóm môn khoa học xã hội và là một trong những môn học tự chọn theo định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho môn này ở bậc THPT là 70 tiết/năm, cùng 45 tiết trong 3 chuyên đề học tập bộ môn.
Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) sân khấu hóa tác phẩm văn học để học lịch sử
Như vậy, để học sinh có thể chọn môn sử trong việc định hướng nghề nghiệp cần đặt ra vai trò và trách nhiệm của việc giảng dạy môn này ở các bậc học dưới.
Thay đổi tâm lý học sinh, phụ huynh
Cô Nguyễn Bích Phượng (Nhóm trưởng nhóm sử Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) nhìn nhận, hiện tại có 3 lý do khiến học sinh không ham thích học lịch sử. Trước hết, đó là do giáo viên quá rập khuôn, khô khan, câu nệ vào sự kiện trong giờ học; thứ hai, do các quy định áp đặt về khung chương trình làm giáo viên bị xơ cứng, và cuối cùng là do chính phụ huynh có cái nhìn thiên lệch với bộ môn dẫn đến học sinh có xu hướng học lệch. “Để học sinh yêu thích học lịch sử cần đến sự thay đổi đồng bộ của cả 3 yếu tố trên. Giáo viên đổi mới, sáng tạo; chương trình mở và quan điểm, cách nhìn của phụ huynh, của xã hội thay đổi”, cô Phượng khẳng định.
Theo cô Phượng, đích đến cuối cùng trong giảng dạy lịch sử không phải để trang bị cho học sinh sự kiện mà trước nhất là để các em hiểu về nguồn gốc, cội nguồn dân tộc nhằm hình thành ý thức, trách nhiệm, có cái nhìn tổng quan về thế giới để hình thành nên tư duy. Một nhiệm vụ quan trọng không kém là định hướng nghề nghiệp cho học sinh. “Chúng ta cứ nói học sinh thờ ơ với lịch sử nhưng không phải, đó là giáo viên chưa chịu “lôi kéo” thôi. Học sinh rất dễ “lôi kéo”. Hãy để môn học tiếp cận học sinh theo chính điều mà các em yêu thích, gắn với tâm lý lứa tuổi học sinh. Có thể chỉ là những thay đổi nhỏ thôi, như cho học sinh tham gia vẽ tranh, đóng kịch, làm mô hình… từ khả năng và sở trường của các em; “đánh” vào giáo dục địa phương, “đánh” vào ham thích khám phá, đưa những giờ học lịch sử thành những câu chuyện kể, tự dưng các em sẽ thấy hứng thú và yêu thích bộ môn hơn”, cô Phượng chia sẻ. Để hướng nghiệp gắn với lịch sử, cô Phượng cho rằng nhiệm vụ này nên tập trung mạnh vào học sinh khối 9. Khi học sinh đã yêu thích lịch sử, giáo viên sẽ mở ra những cơ hội nghề nghiệp mà các em có thể chọn ở bộ môn này, từ đó giúp các em cách thức chọn lựa nghề nghiệp sớm.
Nói về phương pháp đổi mới bộ môn, cô Nguyễn Trần Thúy Anh (giáo viên môn lịch sử Trường THCS Ba Đình, Q.5) cho rằng giáo viên cần phải nhận thức được vấn đề cốt lõi là “mình dạy vì học sinh”. “Nói nôm na là lấy học sinh làm trung tâm, để làm sao các em nhìn ra được vai trò của lịch sử, nhìn thấy được tính thực tế của bộ môn một cách nhẹ nhàng nhất. Muốn làm được như vậy, trước tiên mỗi giáo viên phải là người truyền lửa…”, cô Thúy Anh nói. Ở khía cạnh khác, cô Hoàng Thị Vân (Khối trưởng khối 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) khẳng định để học sinh yêu thích lịch sử, trọng trách bồi đắp thuộc về giáo viên các bậc học đầu tiên là tiểu học, THCS; việc bồi đắp càng sớm càng tốt. “Để học sinh hình dung về bộ môn càng sớm sẽ dễ dàng thu hút các em bởi những yếu tố mới lạ. Vì vậy, càng được hình dung về lịch sử thú vị bao nhiêu thì niềm ham thích bộ môn của các em sẽ càng nhiều”, cô Vân nhìn nhận.
Đổi mới phải gắn với định hướng nghề nghiệp sớm
Tham gia tập huấn giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông mới trong môn lịch sử, TS. Tưởng Phi Ngọ (giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thông tin, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn lịch sử được phân bố chương trình theo nguyên tắc “tích hợp cao ở lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên”. Ở bậc tiểu học, THCS, lịch sử không gọi là bộ môn mà chỉ được coi là một phân môn cùng với phân môn địa lý. Chỉ có bậc THPT mới được gọi là môn lịch sử. “Thầy cô không thể kêu gọi học sinh của mình rằng, các em hãy yêu lịch sử Việt Nam đi, đừng yêu lịch sử nước ngoài nữa là các em sẽ yêu lịch sử Việt Nam được. Mà chính tự bài giảng, phương pháp giảng dạy của thầy cô sẽ làm nhiệm vụ đó. Dạy thế nào để học sinh noi gương theo người xưa, phát huy được các năng lực trong môn học và các phẩm chất yêu nước, nhân ái, yêu thương, trách nhiệm… Nếu giáo viên làm được như thế thì tất nhiên, chẳng có lý do gì để học sinh “chạy” sang yêu lịch sử nước khác. Vì vậy, chủ yếu vẫn là ở từng giáo viên”, TS. Ngọ khẳng định.
Để học sinh chọn lựa nghề nghiệp gắn với môn lịch sử, TS. Ngọ đánh giá, một phần trọng trách là ở giáo viên, còn lại phụ thuộc vào xã hội. “Môn lịch sử trước giờ thường ít được học sinh lựa chọn do không nhìn thấy những cơ hội nghề nghiệp đối với nghề. Việc giúp học sinh nhìn nhận ra các cơ hội nghề nghiệp là trách nhiệm của nhà trường và cả xã hội, ở nhiều bậc học, không phải đợi đến bậc THPT, đặc biệt trong chương trình mới. Do đó, song song với việc đổi mới, thầy cô hãy cố gắng cho học sinh biết những giá trị tích cực của bộ môn đối với xã hội”, TS. Ngọ lưu ý.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)