Một trận đấu vô nghĩa về mặt chuyên môn những vẫn khiến đội tuyển quốc gia nhận thất bại nặng nề 1-8 liệu có đáng không? Một trận đấu vô nghĩa về chuyên môn nhưng vẫn phải khiến V-League “hy sinh” cho đội tuyển, để các CLB đối diện với hàng loạt rủi ro.
Trận thua Man City 1-8, rồi trước nữa là thua Arsenal 1-7 cách nay 2 năm trớ trêu thay lại là những trận thua có kết quả đậm nhất trong lịch sử các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam.
Đá với những đại diện hàng đầu của bóng đá châu Âu thì thua là đương nhiên, thậm chí thua đậm cũng không có gì lạ. Nhưng hình ảnh đăng tải trên báo chí nước ngoài, chụp nguyên si bảng tỷ số, với một bên là logo của VFF, biểu trưng cho đội tuyển Việt Nam, còn bên kia là logo của một CLB, với cách biệt khủng khiếp 1-8, thì quả là làm hại đến hình ảnh của đội tuyển.
Nếu đấy là “đội tuyển các ngôi sao V-League”, hay “đội tuyển các ngôi sao Việt Nam” thì không nói làm gì, và chắc cũng chẳng ai để ý, đằng này là đội tuyển quốc gia, với đầy đủ yếu tố màu cờ sắc áo, với đầy đủ niềm kiêu hãnh của cả một nền bóng đá, mà chấp nhận… hiến tên mình để làm “quân xanh” cho một CLB vốn chỉ đang đá tập chuẩn bị cho một mùa giải mới thì tội cho thương hiệu của cả nền bóng đá quá!
Tội cho hình ảnh của đội tuyển quốc gia khi phải làm nền cho một CLB rèn quân chuẩn bị cho mùa giải mới
Các quốc gia trong khu vực thời gian gần đây không bao giờ mạo hiểm đưa đội tuyển quốc gia ra làm… nền cho các CLB châu Âu trong những trận đấu nặng tính thương mại như thế nữa. Như Thái Lan lúc đá với những CLB nổi tiếng cỡ Chelsea hay Barcelona không gọi đội bóng của họ là đội tuyển quốc gia Thái Lan, mà chỉ gọi là “đội tuyển các ngôi sao Thai-League” hoặc “đội tuyển các ngôi sao Thái Lan”. Rồi Indonesia, Malaysia cũng vậy.
Từ lâu FIFA không khuyến khích các liên đoàn thành viên dùng danh xưng đội tuyển quốc gia đá các trận đấu nặng tính thương mại kiểu này. Vì đã gọi là tập trung đội tuyển quốc gia, đã gọi là đội tuyển quốc gia thi đấu thì trước trận đấu phải hát quốc ca. Đằng này, không thể một bên hát còn bên kia thì không hát!
Vấn đề tiếp theo nằm ở chỗ vì một trận đấu thuần tính thương mại mà đòi hỏi nghĩa vụ quốc gia nơi các CLB và các cầu thủ thì e rằng hơi quá. Thành ra mới có những tranh cãi như kiểu Công Phượng có đáng được khoác áo đội tuyển hay không (còn nếu gọi là “đội tuyển các ngôi sao” thì chẳng ai cãi làm gì)? Mới có những tranh cãi dạng các CLB góp quân cho đội tuyển đá với Man City theo nghĩa vụ hay góp quân cho một ngày hội?
Các CLB có quyền đặt câu hỏi với VFF rằng đây là hoạt động nằm trong kế hoạch hay đơn thuần là một hoạt động kinh doanh? Bởi, để chuẩn bị cho trận đấu này, các CLB buộc phải đấu “dồn toa” ở V-League, tạo khoảng trống cho đội tuyển tập trung đá với Man City.
Mà đã là đấu dồn thì rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cầu thủ, và ảnh hưởng đến kế hoạch huấn luyện chung của các nhà chuyên môn ở từng CLB.
Có vẻ như VFF chưa sòng phẳng trong cách gọi tên đội tuyển, họ thiếu sòng phẳng ở chỗ họ đem cái mác “tài sản quốc gia” phục vụ cho mục đích thương mại của một đơn vị kinh tế độc lập, trong khi trận đấu này chưa chắc mang lại những điều to tát cho bóng đá Việt Nam như kỳ vọng!
Trọng Vũ (theo dantri)
Bình luận (0)