Tòa soạnThư đi – tin lại

Hàng bình ổn cho mùa khai trường

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể khẳng định, chưa năm nào các sản phẩm phục vụ cho mùa khai giảng năm học mới lại được các doanh nghiệp (DN) Việt đầu tư mạnh như năm học 2015-2016 bởi với họ “thị trường nội địa – quyết định sự phát triển hoặc xóa sổ DN”…

Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Để đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên (HS, SV) mùa khai giảng năm nay và kích cầu tiêu dùng, năm nay các DN bình ổn thị trường tiếp tục tham gia 4 nhóm hàng, với gần 450 mẫu sản phẩm (gồm 40 mẫu tập HS, 186 mẫu cặp – ba lô – túi xách, 207 mẫu đồng phục HS và giày). Lượng hàng tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng mùa khai giảng năm học 2015-2016 như: Tập HS 28,4 triệu quyển; đồng phục 730.000 bộ; cặp – ba lô – túi xách 1.263.000 cái; giày HS 700.000 đôi. Sản phẩm đẹp và đa dạng với nhiều mẫu mã mới. Chất liệu sản phẩm cũng được các DN đầu tư rất kỹ lưỡng và có một vài thay đổi về thiết kế, đa số dùng loại vải dù để tạo độ bóng, mịn và nhẹ hơn…

Dạo quanh một vòng tại các hệ thống siêu thị của Co.opmart; Big C… Các loại đồ dùng học tập năm nay được trưng bày và giới thiệu rất phong phú, bắt mắt, giá các sản phẩm như cặp, túi xách có mức dao động từ 125.000-499.000 đồng/cặp, túi với thiết kế bắt mắt, màu sắc tươi sáng được các DN như Trương Vui (Mr Vui); Minh Tiến (Miti); Hương Mi “chăm chút” kỹ từ họa tiết đến các nhân vật in trên cặp, túi. Ông Nguyễn Trí Kiên – Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến bộc bạch: “Hiểu về đối tượng mình phục vụ cần gì, muốn gì – nhất là đối tượng HSSV nên các họa sĩ của Minh Tiến đã có những thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi, để thiết kế trên sản phẩm cặp, túi xách. Gần ba tháng đưa sản phẩm ra thị trường, Miti đã tiêu thụ được hàng trăm ngàn sản phẩm, đây là sự tưởng thưởng mà người tiêu dùng dành cho chúng tôi”. Em Lê Nguyễn Quỳnh Anh (lớp 3, Trường TH Hồng Hà, Q.Bình Thạnh) thích thú: “Con rất thích túi xách của Mr Vui vì cặp nhẹ, màu sắc dễ thương và có rất nhiều nhân vật hoạt hình trên túi mà con yêu thích”. Sản phẩm tập, vở của các DN trong nước rất phong phú và đa dạng, chủ yếu tập trung vào những sản phẩm tập, vở giấy tốt nhưng giá thành thấp hơn sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài từ 20-30% với giá niêm yết bình quân ở mức 35.000-65.000 đồng/10 cuốn. “DN của chúng tôi đã ký kết và đưa ra thị trường được phụ huynh, HS, SV lựa chọn. Đến thời điểm này công ty đã tiêu thụ được hàng triệu quyển tập”, ông Phạm Ngọc Vũ – Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Tập Việt cho biết.

Các em HS theo phụ huynh lựa chọn ba lô để chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh chụp tại siêu thị Co.opmart (Q.3, TP.HCM)

Đối với đồng phục HS, thị trường không thật sự sôi động, nói về nguyên nhân này, ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc marketing của Co.opmart – cho biết: Theo kế hoạch, chuẩn bị cho mùa khai giảng năm nay, các DN tham gia chương trình bình ổn sẽ đưa ra thị trường khoảng 730.000 bộ, Co.opmart tiếp tục là kênh phân phối sản phẩm này cho các DN. Đã kết thúc tháng 7 nhưng với sản phẩm đồng phục HS, tiêu thụ còn chậm, không phải do giá thành mà hầu hết phụ huynh đều phải mua đồng phục như quần áo, giày dép theo trường mà con em họ theo học, vì vậy sản phẩm này tiêu thụ khá chậm. “Từ ngày 27-7 đến 9-8, Co.opmart và Co.opXtra giảm giá mạnh cho 300 mặt hàng dụng cụ học tập và đồng phục HS, gồm các loại tập trắng, các loại bút bi, bút chì, bút lông màu, bóp đựng viết, đèn học, bàn học chân xếp, bộ chữ cái tiếng Việt, ba lô, cặp HS, áo sơ mi trắng, quần tây, váy xanh đen… mức giảm giá từ 20% đến 33%. Riêng các mặt hàng phục vụ năm học mới thương hiệu hàng nhãn riêng Co.opmart năm nay tham gia bình ổn các mặt hàng tập trắng và đồng phục HS cấp 1, 2 theo giá niêm yết của TP, từ 56.500-88.500 đồng/sản phẩm. Đặc biệt, ngày 2-8, Co.opmart và Co.opXtra sẽ dành tặng hơn 600.000 quyển tập trắng cho những khách hàng có thẻ Co.opmart với điều kiện hóa đơn tương đối dễ dàng”, ông Anh cho biết thêm.

Ngành giáo dục làm cầu nối cho hàng Việt

Không riêng gì Co.opmart làm tốt việc đưa hàng Việt đến với người Việt, mà cả hệ thống chính trị của TP đều chung tay, tiếp sức vào cuộc. Ngành GD-ĐT TP là một điển hình, trong đó, nổi bật như Q.3, 5, 8, Gò Vấp và Tân Bình… đã tổ chức nhiều chương trình để đưa hàng Việt đến với HS, SV. Cụ thể như ngành GD-ĐT Q.5 đã triển khai “Ngày hội khai trường” tại Trường THPT Hùng Vương và Q.Gò Vấp tổ chức vào ngày 23-5 tại Trường Tiểu học An Hội. Còn tại Q.3, ông Võ Khắc Thái – Phó chủ tịch UBND quận cho biết: “UBND Q.3 đã ban hành thông báo 308 cho 14 phường; ban quản lý 4 chợ và tất cả các trường học MN-TH-THCS-THPT-TTGDTX về “Ngày hội giới thiệu sản phẩm và bán hàng bình ổn thị trường phục vụ mùa khai giảng năm học 2015-2016”. Qua ngày hội, chúng tôi nhận thấy đây là một mô hình hay và sẽ triển khai đều đặn hàng năm để người tiêu dùng quận nhà được hưởng lợi”.

“Q.Tân Bình có 114 trường học với gần 80.000 HS. Để chăm lo tốt cho HS, SV bước vào năm học mới, quận đã tổ chức “Ngày hội giới thiệu sản phẩm và bán hàng bình ổn thị trường phục vụ mùa khai giảng năm học 2015-2016”. Tại ngày hội, rất nhiều DN và các trường đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng để các DN cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ cho công tác dạy – học, thành công của ngày hội là giúp DN ngày càng “gần” hơn với trường học”, ThS. Trần Khắc Huy – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình – chia sẻ.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)