Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xóm “độc” ở Sài Gòn: Kỳ 1: Tìm con ở “xóm hiếm muộn”

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm trong một con hẻm nhỏ cách Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM chừng 10m là khu nhà trọ dành cho những người hiếm muộn. Họ từ khắp nơi trong cả nước rời quê đến đây với chung một niềm hi vọng đi tìm con bằng mọi giá…

Khu nhà trọ nằm rải rác xung quanh bệnh viện này bị gọi “chết danh” là “xóm hiếm muộn”.

Khóc cạn nước mắt

Đến quanh khu vực Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM chỉ cần hỏi “xóm hiếm muộn” thì những người dân ở đây ai cũng biết. Bởi đây là khu trọ dành cho những người khó sinh con hoặc không sinh được con từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước về điều trị. Hành trình kiếm tìm những đứa con của họ thật gian nan, đau thương và vất vả. Một người phụ nữ trên chiếc giường cạnh cửa sổ ngó ra hỏi chuyện chúng tôi: “Em muốn thuê phòng hay thuê giường? Nếu thuê phòng thì 3,7 triệu/tháng còn giường thì 2,7 triệu/tháng. Trong phòng này còn 1 giường trống nữa, chị đã nằm ở đây hơn 1 năm rồi đến khi nào sinh em bé xong thì mới về”. Trong vai một người đang cần thuê phòng cho người chị ở quê vào điều trị, chúng tôi được chủ nhà cho vào thăm phòng. Theo quan sát trong một căn phòng nhỏ có 6 chiếc giường với 6 người phụ nữ mang thai đang chờ ngày sinh đẻ. Mon men hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Kh. (quê Bình Thuận) chia sẻ: “Tôi mới có thai được 4 tháng sau 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm. Lấy chồng được 3 năm mà không có con, ở quê người ta bàn ra tán vào có người còn nói lời cay độc hay là do ăn ở. Gia đình nhà chồng thì đay nghiến, thời gian đó tôi đã dằn vặt, khóc cạn nước mắt. Nhưng được chồng thương nên vợ chồng tôi quyết định rời quê vào đây chữa bệnh, đến bây giờ đã có chút hi vọng nhưng vẫn quyết định ở đây theo dõi cho đến khi sinh con xong”. Cùng cảnh ngộ nên những người phụ nữ trong một phòng họ rất thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với nhau. Đã 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành công chị Vũ Thị Quỳnh N. (quê Nghệ An) tưởng chừng như suy sụp bởi bao nhiêu vốn liếng vợ chồng chị đã dành dụm bao lâu nay đã chi tiêu hết. Nhiều đêm liền chị nằm chơ vơ thương cho số phận của mình, thương người chồng ở quê lam lũ kiếm tiền để chữa bệnh cho vợ. Nhìn thấy số phận của nhau nên những người phụ nữ hiếm muộn luôn có động lực để đi tìm tiếng khóc trẻ thơ.

Bệnh nhân đến khám bệnh tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM

Gần đó là vợ chồng chị H.T.T (36 tuổi, ngụ Tiền Giang). Gần chục năm sống chung vẫn chưa có mụn con nào, gia đình nội ngoại đều thúc giục, vợ chồng chị T. cũng khăn gói vào Sài Gòn chữa trị. Vợ chồng chị T. đã định cư tại “xóm hiếm muộn” này gần 1 năm nay, chỉ với một mục đích duy nhất là sinh cho được đứa con.

Không thôi hi vọng

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại “xóm hiếm muộn”, ngoài việc thuê phòng hoặc thuê giường ở chung (chủ nhà kê 4 chiếc giường sát nhau, chỉ ngăn các giường với nhau bằng tấm ri đô mỏng) còn có những bệnh nhân thuê ngày, giá cũng không hề rẻ, mỗi giường từ 100 ngàn đồng/ ngày trở lên. Dù giá đắt hơn nhiều so với những khu vực khác nhưng các phòng trọ ở đây vẫn luôn trong tình trạng “cháy giường” vì lợi thế là gần bệnh viện.

Gặp vợ chồng anh T. (quê Bình Dương) đến khám bệnh ở Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, anh chia sẻ: “Vợ chồng lấy nhau được 4 năm mà chưa có con. Thấy mọi người mách ở đâu có thuốc hay là đến lấy về uống, bây giờ nghĩ đến thuốc nam mà đắng ở cổ họng. Lần này quyết định lên đây khám, BS cho biết là tôi bị yếu tinh trùng nhưng tôi đã cố gắng bỏ qua mặc cảm mà trị bệnh chỉ mong có được đứa con”. Niềm hi vọng le lói trong ánh mắt anh khi người vợ nắm lấy bàn tay và nhẹ nhàng nói: “Xã hội này có cả ngàn người giống như vợ chồng mình, anh nhìn người ta đến khám đông như đi hội nên mình cứ cố gắng rồi ông trời sẽ không phụ mình đâu”. Quả thực khi đến Khoa Hiếm muộn mới thấy được bệnh nhân đến khám rất đông thậm chí có cả người nước ngoài. Cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, chị Lê Thị V. (quê Tiền Giang) tâm sự: “Sao người ta có con thì dễ vậy mà mình thì lại khó khăn đến thế. Tôi đã thụ tinh trong ống nghiệm một lần rồi nhưng bị thất bại, bác sĩ khuyên là có người đến 2-3 lần mới được. Thấy vậy, tôi cũng còn có chút hi vọng để cố gắng tiếp”. Nhìn những phận đời mòn mỏi đi ra vào phòng khám bệnh với những nét u buồn hiện trên khuôn mặt chúng tôi cũng lẳng lặng đi theo những bước chân nặng nề của chị Vân xuống cầu thang. Kết thúc câu chuyện bóng dáng chị khuất dần về dãy trọ dành cho người hiếm muộn nằm ở cuối con hẻm hun hút.

Bài, ảnh: Nghiêm Quế

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 khu vực châu Á về số lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, với 15.000 lượt vào năm 2014, tăng 3.000 ca so với năm 2012. Hầu hết các kỹ thuật tiên tiến và hiện đại đã được triển khai thành công, luật cũng cho phép các cặp vô sinh được phép mang thai hộ. Với những tiến bộ và thành tựu này thì niềm khao khát kiếm tìm con của những cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ có nhiều hi vọng hơn trong tương lai.

 

Bình luận (0)