Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đỉnh cao và vực sâu của phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ phim Huyền sử vua Đinh của đạo diễn Anthony Võ vừa rút khỏi rạp chiếu sau 10 ngày, lỗ nặng với mức doanh thu chỉ 42,8 triệu đồng. Đây có thể xem là “vực sâu” đáng báo động của điện ảnh Việt khi chất lượng phim quá tệ.

Doanh thu sụt giảm thảm hại

Điện ảnh Việt đã từng có Bố già thu được hơn 420 tỉ đồng tại phòng vé Việt và hàng loạt bộ phim lọt vào “câu lạc bộ trăm tỉ” với doanh thu cao ngất như: Hai Phượng (hơn 200 tỉ đồng), Cua lại vợ bầu (192 tỉ đồng), Mắt biếc (180 tỉ đồng), Tiệc trăng máu (175 tỉ đồng), Em chưa 18 (171 tỉ đồng), Gái già lắm chiêu 3 (165 tỉ đồng), Lật mặt: 48h (156 tỉ đồng)… Thành tích của những phim chiếu rạp kể trên trong 3 năm 2019 – 2021 là thời kỳ “đỉnh cao” về doanh thu của phim Việt.

Đỉnh cao và vực sâu của phim Việt - ảnh 1


Đỉnh cao và vực sâu của phim Việt - ảnh 2


Đỉnh cao và vực sâu của phim Việt - ảnh 3

Phim Tro tàn rực rỡ, Thanh Sói, Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái ra rạp trong tháng 12 này. Ảnh: ĐPCC

Thế nhưng, trong năm 2022 này, điện ảnh Việt tuột dốc không phanh về chất lượng lẫn doanh thu với hàng loạt phim: Duyên ma (6,6 tỉ đồng), Là mây trên bầu trời của ai đó (431 triệu đồng), Kẻ đào mồ (538 triệu đồng), Người tình (1,1 tỉ đồng), Mưu kế thượng lưu (1 tỉ đồng), Người lắng nghe (2,2 tỉ đồng), Kẻ thứ ba (962 triệu đồng), 578: Phát đạn của kẻ điên (kinh phí 60 tỉ thu được 3,5 tỉ đồng)…

Đặc biệt, phải kể đến những bộ phim “thảm họa” mới chiếu gần đây: Virus cuồng loạn sau 2 tuần ra mắt thu được 157 triệu đồng; Trò chơi tử thần có dàn sao trẻ nhưng bán vé được 597 triệu đồng. Huyền sử vua Đinh hiện đang được ghi nhận mức doanh thu thấp kỷ lục: 42,8 triệu đồng. Phim về vua Đinh Tiên Hoàng này mắc nhiều lỗi ở kịch bản ôm đồm, tâm lý nhân vật sơ sài, thiếu hợp lý; kỹ xảo kém chân thật, đậm chất vi tính; khâu tạo hình cẩu thả như quân lính nhuộm tóc, cột điện, nhà xi măng hiện đại xuất hiện trong trận chiến xưa, cảnh quay cận gương mặt vua vẫn dính lớp keo dán râu giả…

Năm qua, phim có doanh thu cao nhất của điện ảnh Việt là Em và Trịnh với 102 tỉ đồng nhưng vẫn chưa có lãi vì mức đầu tư lớn. Còn lại đa số phim Việt đều “ngã ngựa”, hoặc lỗ nặng hoặc thu ở mức trên dưới 50 tỉ đồng. Cô gái từ quá khứ chiếu từ 13.10 với tài dàn dựng của hai đạo diễn ăn khách Bảo Nhân – Nam Cito (từng nổi tiếng với loạt phim Gái già lắm chiêu) cùng sự góp mặt đóng chính của hai ngôi sao đương thời là Ninh Dương Lan Ngọc và Kaity Nguyễn cũng chỉ thu được 53 tỉ đồng. Phim Hạnh phúc máu đang chiếu rạp dù có đột phá về nội dung câu chuyện, quảng bá độc lạ, nhưng cách làm phim còn cũ, doanh thu hiện chỉ mới 6,2 tỉ đồng sau 6 ngày chiếu.

Chờ đợi gì ở các phim tháng 12?

Có thể nói, chất lượng phim Việt hiện tại đang bắt đầu rơi xuống “vực sâu” và chưa có dấu hiệu dừng lại khi liên tục có những bộ phim “thảm họa” ra rạp khiến khán giả mất hết kiên nhẫn. Đa số phim Việt đang bị “mắc kẹt” ở khâu kịch bản kém, phong cách làm phim non tay đến ngô nghê của nhiều đạo diễn trẻ, âm thanh hình ảnh chưa đạt chuẩn để chiếu rạp, nhiều diễn viên thiếu nội lực… Công chúng sẽ chờ đợi gì thêm ở Tro tàn rực rỡ, Thanh Sói, Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái sẽ chiếu rạp trong tháng 12 này? Liệu có vực dậy nổi một nền điện ảnh đang "ngắc ngứ" trong cách làm phim, và khán giả thì dần mất niềm tin cho phim Việt?

Đạo diễn, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ: “Bộ phim hành động Thanh Sói dán nhãn 18+, lấy bối cảnh ở Sài Gòn năm 1998 về thời trẻ của nữ trùm Thanh Sói – vai phản diện trong Hai Phượng. Ban đầu, tôi phân vân khi khai thác chuyện đời của một ác nữ bởi nếu làm không khéo, ê kíp vô tình cổ xúy cái xấu khi tạo đồng cảm cho nhân vật chính. Tôi không đi theo hướng anti-hero (phản anh hùng) như Hollywood, mà chỉ lồng ghép câu chuyện Thanh Sói bị số phận đẩy đưa, dần trở nên tha hóa. Tôi chủ ý áp dụng kinh nghiệm thu được trong quá trình tham gia nhiều bộ phim Hollywood vào vai trò sản xuất để mang đến những trải nghiệm điện ảnh đáng giá trên màn ảnh cho khán giả. Việc dời lịch chiếu hai lần, cộng thêm những lần quay thêm, dựng lại để phim có thể phù hợp với bối cảnh xã hội, thẩm mỹ và đạo đức khiến kinh phí phim đội lên đáng kể – hơn 60 tỉ đồng. Tôi biết ơn Cục Điện ảnh đã nhẹ tay khi duyệt phim và nhiệt tình tư vấn nhiều phân cảnh để phim có thể ra rạp vào 30.12 tới”.

Trong khi đó, với Đảo độc đắc: Tử mẫu thiên linh cái (diễn viên: Sam, Hoa hậu Tiểu Vy, Trần Nghĩa, Trần Phong, Minh Dự, Phương Lan…), công chiếu vào 23.12, đạo diễn Lê Bình Giang cho biết: “Phim sẽ có màu sắc kinh dị đậm đặc. Tôi hy vọng khán giả sẽ đón nhận những sáng tạo mới mẻ từ thế hệ đạo diễn trẻ, thông qua một cốt truyện tâm linh ly kỳ về quá trình luyện thành loại bùa ngải Thiên Linh Cái tàn độc, cũng như sẽ bất ngờ với nội tâm “ngàn lớp” của các nhân vật để hiểu rõ thông điệp nhân văn của phim”.

Còn với tác phẩm Tro tàn rực rỡ sẽ ra rạp vào ngày 2.12, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết anh làm theo hướng phim nghệ thuật và đã dành 7 năm để chuyển những con chữ của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh rộng. Sự kỳ công của đạo diễn đã mang đến Tro tàn rực rỡ một vẻ đẹp đậm chất miền Tây Nam bộ, từ con người tới cảnh vật; giúp phim giành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa lần thứ 44 và là bộ phim VN đầu tiên trong lịch sử được lựa chọn vào danh sách 15 phim quốc tế tranh giải chính tại Liên hoan phim Tokyo 2022.

Theo Phan Cao Tùng/TNO

Bình luận (0)