Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Việt hóa” tranh minh họa cho sách kinh điển

Tạp Chí Giáo Dục

Những tác phẩm văn học kinh điển đã chứng minh được sức hút qua nhiều thế hệ. Để tiệm cận hơn với thời hiện đại, các nhà làm sách đang hướng đến việc sử dụng thêm tranh minh họa được “Việt hóa”.

Yếu tố không thể thiêu 

Lâu nay, tranh minh họa thường được cho là chỉ phù hợp với các tác phẩm thiếu nhi. Gần đây, các tác phẩm văn chương kinh điển đã hết thời hạn bản quyền được các nhà làm sách cùng quan tâm khai thác, dẫn đến sự so sánh cũng như cân nhắc lựa chọn từ phía độc giả.

Để tạo ấn tượng, thu hút độc giả, ngoài bìa sách bắt mắt, các bản dịch được hiệu chỉnh thêm… thì tranh minh họa giờ đây là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong việc trình bày các tác phẩm kinh điển.

Tác phẩm kinh điển Hai vạn dặm dưới biển trở lại với hình thức mới

Tác phẩm kinh điển Hai vạn dặm dưới biển trở lại với hình thức mới

Những tác phẩm quen thuộc như Hai vạn dặm dưới biển (Jules Verne), Alice ở xứ sở diệu kỳ (Lewis Carroll), Tiếng gọi của hoang dã (Jack London)… tái xuất thường đi kèm tranh minh họa độc đáo, mang dấu ấn riêng. Ngoài các tác phẩm kinh điển kể trên, Tiếng Núi (Kawabata Yasunari), Hai mươi tư con mắt (Sakae Tsuboi)… đương đại hơn cũng kèm theo tranh minh họa màu, khiến chúng thêm hấp dẫn.

Theo các công ty xuất bản, nguồn tranh minh họa họ thường tìm đến là từ ấn bản nước ngoài. Một trong số đó là Nga – một “cường quốc” về xuất bản và in ấn văn chương kinh điển. Ngoài Nga, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Ý… cũng sở hữu nhiều tác phẩm ấn tượng. Sau khi tìm kiếm, các công ty đã mua bản quyền và đưa minh họa vào bản in của mình.

Điều này tạo nên nhiều sự khác biệt khi cũng cùng tựa sách nhưng với dàn trang theo tỉ lệ vàng, tranh minh họa cuốn hút, độc đáo…, mỗi ấn phẩm ngày càng hoàn thiện và phong phú hơn, giúp độc giả có nhiều lựa chọn phù hợp với yêu cầu riêng của mình.

“Việt hoá” tranh minh hoạ

Ngoài tranh minh họa được mua bản quyền, các nhà làm sách tại Việt Nam cũng đang sử dụng nhiều tranh minh họa mới, được đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng bởi đội ngũ họa sĩ trong nước. Trong hướng đi này có thể kể đến Tủ sách Văn chương & Mỹ thuật của Đông A hay bộ Tác phẩm kinh điển minh họa mới của Đinh Tị… Bên cạnh giá trị văn chương, đây là các ấn phẩm đậm tính thẩm mỹ, giúp cho đời sống của sách được nối dài và thu hút hơn.
Đại diện Công ty sách Đinh Tị chia sẻ: “Trình độ của các họa sĩ Việt Nam hiện nay không thua kém gì họa sĩ nước ngoài. Trong trường hợp chất lượng sản phẩm tương đương, chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng minh họa của nước mình”.

Tranh minh hoạ được các hoạ sĩ Việt Nam thực hiện

Tranh minh hoạ được các hoạ sĩ Việt Nam thực hiện

So với các tranh minh họa đã được công nhận cũng như sử dụng từ lâu, có thể thấy tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam mới hơn và tiệm cận hơn với thế hệ độc giả ngày nay. Chẳng hạn trong bộ sách Tác phẩm kinh điển minh họa mới, hầu hết tranh minh họa đều được in màu với các nhân vật, chi tiết… được nghiên cứu kỹ về mặt bối cảnh, lịch sử… để cho ra đời một bản sách hoàn thiện và ấn tượng nhất.

Nói về cách khai thác này, đại diện nhóm họa sĩ của bộ sách trên cho biết: “Để khắc họa được chân dung nhân vật, chúng tôi cần tìm hiểu kỹ về mặt hình ảnh cũng như tính cách của mỗi nhân vật, từ đó mới có thể vẽ ra được nhân vật sao cho có “thần” nhất. Trong quá trình này, chúng tôi cũng quan tâm đến việc nghiên cứu về bối cảnh xã hội tại thời điểm tác phẩm được viết ra, các đặc trưng về xuất thân của nhân vật, đối chiếu với phong cách thẩm mỹ (như về trang phục, vật dụng, phong cách xây dựng các công trình kiến trúc…). Từ đó sẽ vẽ ra được những hình minh họa vừa khớp với nội dung, vừa thể hiện được tinh thần của tác phẩm, lại vừa phù hợp với bối cảnh lịch sử đặc trưng của dòng văn học kinh điển”.

Xác định các tác phẩm nghệ thuật chỉ nên bổ sung thay vì lấn át văn bản gốc, đại diện các họa sĩ chia sẻ thêm: “Với mỗi tác phẩm kinh điển, chúng tôi sẽ hướng tới những phong cách vẽ khác nhau sao cho phù hợp với nội dung và bối cảnh của chính tác phẩm. Chúng ta không thể vẽ hình ảnh đậm chất Á Đông cho một tác phẩm thuần túy phương Tây và ngược lại. Đây cũng nhằm thể hiện sự tôn trọng với tác phẩm kinh điển gốc. Tuy nhiên, là người Việt làm sách cho trẻ em Việt, chúng tôi cũng muốn mang tới những hình ảnh gần gũi, thân quen và phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt Nam. Bằng việc điều chỉnh tông màu phù hợp, nhấn nhá vào những nét vẽ mềm mại hơn hay như chọn minh họa những khung cảnh thực sự “kinh điển” được nhiều độc giả yêu mến trong tác phẩm… Tất cả những điều này, chúng tôi đều cố gắng làm chỉn chu nhất có thể”.

Có thể thấy, việc tìm tòi tranh minh họa hoặc minh họa hoàn toàn mới đang là bước đi cho thấy tiềm năng trong việc xuất bản tác phẩm văn học kinh điển. Không chỉ góp phần giúp cho độc giả có trải nghiệm mới hơn mà bằng việc gửi gắm tính Việt phù hợp, các tác phẩm này cũng trở nên độc đáo hơn, giá trị và thu hút độc giả hơn. 

Theo Ngô Minh/PNO

Bình luận (0)