Thông qua các chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh thành thuộc các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đã tăng tính liên kết vùng. Từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của các địa phương, giúp các tỉnh bứt phá phát triển du lịch trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Người Tây Bắc biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Tạo thế mạnh cạnh tranh
Thời gian qua, liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đạt nhiều kết quả.
Ông Nguyễn Đăng Bình (Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn) cho biết, sau 2 năm triển khai, đến nay hoạt động liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Đông Bắc với TP.HCM đã từng bước phát huy hiệu quả. Điều này thể hiện qua việc các tỉnh Đông Bắc đã mở rộng thêm một lượng lớn thị trường khách đến từ các tỉnh phía Nam và ngược lại, đặc biệt là thị trường khách du lịch đến từ TP.HCM đã tăng mạnh so với thời gian trước. Trong quý I năm 2023, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 9 tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết đạt hơn 13 triệu lượt khách (trong đó có hơn 700.000 lượt khách quốc tế), thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã thể hiện rõ sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của 9 tỉnh, thành phố tham gia chương trình liên kết trong việc chung tay xây dựng, phục hồi du lịch Việt Nam. “Các tỉnh trong vùng Đông Bắc nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng xác định việc liên kết là một trong những chìa khóa quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài trong phát triển du lịch của các địa phương. Chính đặc thù về vị trí địa lý và xã hội của vùng Đông Bắc đã tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và có mối liên kết chặt chẽ với nhau”, ông Bình chia sẻ.
Ông Hà Văn Thắng (Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai) thông tin, tỉnh Lào Cai là tỉnh nằm trong khối hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với TP.HCM, luôn đề cao liên kết, hợp tác với các địa phương và quốc tế để phát triển du lịch. Tỉnh Lào Cai phấn đấu năm 2023 du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng theo tinh thần Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Người Lai Châu giới thiệu văn hóa đặc trưng tại Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Lai Châu năm 2022 tại TP.HCM
Vùng đất Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch phong phú với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình. “Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM tạo điều kiện để khai thác, kết nối thị trường du lịch các tỉnh. Từ đó tạo ra sự liên kết vùng để phát triển du lịch, liên kết để cùng nhau khai thác những lợi thế cạnh tranh của các địa phương”, ông Thắng chia sẻ.
Nên tập trung vào sản phẩm đặc thù
Từ góc độ doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM, bà Tạ Thị Tú Uyên (Giám đốc Ban Sản phẩm và dịch vụ, Công ty du lịch Vietravel) cho rằng, khu vực Đông Bắc đã có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện và hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với phân khúc thị trường khách du lịch tầm trung và cao cấp, trong đó có khách du lịch Trung Quốc thông qua các cửa khẩu đường bộ ở Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Tuy nhiên, để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc, bà Tạ Thị Tú Uyên đề xuất mỗi địa phương chỉ nên tập trung đầu tư vào một số sản phẩm có thế mạnh đặc thù, sau đó mở rộng hình thành các sản phẩm phụ trợ có chất lượng. “Các tỉnh cần hạn chế tối đa việc trùng lặp sản phẩm, nhất là những sản phẩm tương đồng trong văn hóa, ẩm thực, di tích lịch sử. Ưu tiên các sản phẩm mang tính trải nghiệm, sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Chú trọng việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, tăng cường sự tương tác cho khách để họ cảm nhận sâu hơn đối với từng dòng sản phẩm”, bà Uyên chia sẻ.
Tỉnh Bắc Kạn giới thiệu “đặc sản” của tỉnh tại TP.HCM
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Linh (Giám đốc Công ty du lịch Mr Linh’s Adventures) cho biết, đơn vị này chú trọng phát triển các sản phẩm độc đáo, khác biệt gắn với Vườn quốc gia Ba Bể để thu hút khách, trong đó có du khách từ TP.HCM. Đặc biệt, tour du lịch thám hiểm hang Thẳm Phầy hứa hẹn là sản phẩm mũi nhọn của Bắc Kạn trong thời gian tới. Du khách sẽ được thám hiểm lòng hang trong nửa ngày hoặc 1 ngày, tìm hiểu giá trị địa chất, hệ động thực vật và chiêm ngưỡng những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Nhận định về du lịch Tây Bắc, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, TP.HCM luôn đồng hành Tây Bắc trong hoạt động quảng bá du lịch, kích cầu du lịch nội địa góp phần tăng trưởng kinh tế. Để việc liên kết, xúc tiến du lịch TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc đạt hiệu quả, bà Hoa đề xuất 2 nội dung: Thứ nhất, các tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong chương trình liên kết để xây dựng tour tuyến, quảng bá sản phẩm từ đó tập hợp doanh nghiệp một cách hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực. Thứ hai, các tỉnh cùng nhau xúc tiến thị trường nước ngoài. “Chúng tôi chọn thị trường xúc tiến trực tiếp và trực tuyến cũng như chuẩn bị thị trường từ TP.HCM kết nối các vùng miền trong đó có Tây Bắc. Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp cũng như được lắng nghe những chia sẻ, góp ý từ doanh nghiệp để chương trình ngày càng hoàn thiện”, bà Ánh Hoa kỳ vọng.
Về việc liên kết du lịch các tỉnh Đông Bắc, bà Ánh Hoa nhìn nhận, nơi đây cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các giá trị lịch sử từ thời cổ đại, nhiều lễ hội văn hóa, tập tục lối sống đa dạng, ẩm thực phong phú, nhiều địa danh gắn liền với các cuộc kháng chiến của dân tộc tạo nên nét đặc sắc của vùng Đông Bắc. “Liên kết du lịch nhằm quảng bá, tôn vinh các bản sắc đặc trưng, phát triển sản phẩm du lịch mới với chi phí hợp lý trong chương trình kích cầu du lịch. Liên kết du lịch mang đến cho du khách nhiều sản phẩm du lịch an toàn, người dân địa phương cùng tham gia làm du lịch cộng đồng, qua đó cải thiện cuộc sống.
Kiều Khánh
Bình luận (0)