Trước khó khăn của doanh nghiệp, nhiều đoàn viên, người lao động bị cắt giảm, thu nhập bấp bênh. Đây là lúc Công đoàn TP cần triển khai các hoạt động có liên quan đến tư tưởng, đặc điểm tình hình để có nhận thức, ý thức trách nhiệm, không bị động, bất ngờ và luôn sẵn sàng tâm thế thích ứng, tìm thấy những cơ hội trong khó khăn góp phần hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Đoàn viên, người lao động đặt nhiều kỳ vọng vào Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM khóa XII, nhiệm kỳ 2023-2028
Đồng hành cùng người lao động
Ông Củ Phát Nghiệp – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pouyuen Việt Nam – cho biết, thời gian qua công đoàn đã vận động đoàn viên, công nhân chia sẻ khó khăn với công ty đồng thời vận động Ban Giám đốc chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, công nhân. Năm 2021, 2022, do ảnh hưởng Covid-19, công đoàn đã thương lượng công ty chi trả tiền lương tối thiểu vùng cho toàn bộ công nhân phải nghỉ việc ở nhà; vận động công ty hỗ trợ kinh phí cùng công đoàn chăm lo 68.000 lượt công nhân đang thực hiện cách ly tại nhà trọ với kinh phí 13,8 tỷ đồng. Năm 2023, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, công đoàn đã trao đổi, thương lượng chăm lo đoàn viên, công nhân lao động như: tiền thưởng sản xuất, thưởng Tết, điều chỉnh lương tối thiểu vùng, chăm lo cho công nhân về quê đón Tết, cải thiện bữa ăn giữa ca. Từ đầu năm đến nay có 9.284 đoàn viên, công nhân giảm biên chế do không có đơn hàng, công đoàn đã thương lượng Ban Giám đốc trợ cấp số tiền 1.129 tỷ đồng; tổ chức đối thoại định kỳ với Ban Giám đốc, quản đốc xưởng và đoàn viên, công nhân, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và xử lý thỏa đáng; Vận động quyên góp hội tương trợ cho công nhân không may qua đời.
Ông Hoàng Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP cho hay, giai đoạn hiện nay, do điều kiện việc làm, thu nhập không ổn định, nhiều công nhân lao động đã vướng vào nạn “tín dụng đen”. Trước tình trạng đó, CEP đã khảo sát thực tiễn, thu thập ý kiến của công nhân, lao động và các cấp công đoàn để nắm bắt nhu cầu, vướng mắc trong việc tiếp cận các nguồn vốn chính thức. Trên cơ sở khảo sát và kinh nghiệm hoạt động, CEP đã đăng ký tham gia thực hiện 3 nhóm giải pháp: Mở rộng phạm vi phục vụ cho công nhân lao động; Nâng cao kiến thức tài chính, giúp người lao động phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; Phát triển nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của người lao động. “Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023-2028, CEP hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt công nhân, lao động với tổng doanh số cho vay trên 50 ngàn tỷ đồng; huy động tiền gửi có kỳ hạn là 2.500 tỷ đồng; tổ chức cho 63.000 lượt công nhân tham gia các hoạt động phòng chống “tín dụng đen” và tư vấn tài chính cá nhân cho 76.000 công nhân”, ông Thành cho biết.
Tiếp tục đề ra các giải pháp thích ứng phù hợp
Tại Đại hội Công đoàn TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023-2028 vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu, kết quả mà tổ chức công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động TP đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Công đoàn TP đã tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ đến đoàn viên, người lao động, nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo ngày càng thể hiện tên tuổi trong những chương trình hoạt động hướng đến cộng đồng, nhận được sự ủng hộ tham gia, gửi gắm niềm tin của công nhân, người lao động. Công đoàn TP cũng đã kếp nạp mới hơn 617.000 đoàn viên, vượt 16% chỉ tiêu đề ra, trong đó có gần 571.000 đoàn viên ở khu vực ngoài Nhà nước; thành lập mới 6.741 công đoàn cơ sở; tiếp tục khẳng định vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động theo Hiến pháp và pháp luật; xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp; chất lượng và hiệu quả trong việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp ngày càng nâng lên về chất.
Đối với Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP.HCM khóa XII, nhiệm kỳ 2023-2028, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên lưu ý một số vấn đề: Thứ nhất, cần quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, vai trò, vị trí, đặc điểm của TP.HCM mà Bộ Chính trị đã khẳng định, giao sứ mệnh và trách nhiệm cho giai đoạn hiện nay. Chúng ta phải nhận thức sâu sắc là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị giao về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước, với lực lượng lao động từ nhiều địa phương, chủ yếu làm việc ở khu vực công nghiệp và dịch vụ. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở nhiều lĩnh vực chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, theo dõi để đánh giá sát và đề ra các giải pháp thích ứng phù hợp. Những mặt đó sẽ có tác động rất nhiều, trực tiếp lẫn gián tiếp đến tâm tư, tình cảm đến hệ thống Công đoàn TP.
Cùng với sự phát triển về công nghệ, trí tuệ thông minh nhân tạo cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, cơ cấu lao động cùng nhiều hoạt động khác. Thời gian tới, với định hướng cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thì chắc chắn sẽ có nhiều tác động, thay đổi, vì vậy cần có sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để vượt qua các thử thách.
Mặt khác, các ngành nghề sản xuất, kể cả phi chính thức ít thâm dụng lao động hơn; lực lượng lao động hiện nay đòi hỏi trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn. Lúc đó hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, lao động TP sẽ đối mặt với thử thách mới không hề nhỏ. Sau đại hội cần triển khai các hoạt động có liên quan đến tư tưởng, đặc điểm tình hình để có nhận thức, ý thức trách nhiệm, để không bị động, bất ngờ và luôn sẵn sàng tâm thế thích ứng, tìm thấy những cơ hội trong khó khăn.
Thứ hai, từ những đặc điểm nêu trên, đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy về tổ chức và phương thức hoạt động công đoàn. Để chủ động có hiệu quả, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa Kết luận số 79 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị có nhiều quan điểm và giải pháp mới đề ra cho cả nước, nhưng hoàn toàn sát, đúng với thực tiễn TP.HCM; Cùng với đó là triển khai Nghị quyết số 31, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98 của Quốc hội.
Thứ ba, cần quán triệt sâu sắc mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối trong mối quan hệ mật thiết giữa Thành ủy, UBND TP, lực lượng công nhân, người lao động… tiếp tục là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội TP.
Hồ Trinh
Bình luận (0)