Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sôi động World Cup… kéo theo “sôi động” cầm đồ

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh không khí sôi động của các trận cầu World Cup lại xuất hiện tình trạng thanh lý nhiều đồ đạc tại các hiệu cầm đồ. Vậy khi tiêu thụ những món đồ ấy làm thế nào để không vi phạm pháp luật?

Sôi động World Cup... kéo theo sôi động cầm đồ - ảnh 1

Việc cầm đồ, mua bán trong mùa World Cup cần cẩn thận để tránh việc tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc. THƯỢNG HẢI

Cầm mọi thứ có thể

Hiện tại là một sinh viên nhưng nhờ những hiểu biết về các thiết bị điện tử và có thể kiểm tra chất lượng, đồng thời định giá các món hàng này nên trong mùa World Cup có rất nhiều người tìm đến H.T.T. (20 tuổi), ngụ tại khu phố 6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM) với hy vọng nhờ T. tìm được chỗ mua với giá cao.

“Trong thời điểm World Cup diển ra sôi động, mình rất đắn đo vì có những trường hợp người ta đem đồ đến nhưng lại không có giấy tờ xác minh. Cho nên, thường mình sẽ chỉ làm việc với khách có giấy tờ đầy đủ hoặc người quen, còn những trường hợp có dấu hiệu nghi hoặc sẽ không nhận”, T. cho hay.

Dù vậy, vẫn có trường hợp T. nhận phải hàng có dấu hiệu không rõ ràng. T. kể rằng mình có chơi thân với một người anh và người đó có nhờ T. bán hộ chiếc flash máy ảnh còn mới với mong muốn cần 10 triệu đồng.

“Nhưng khi về kiểm tra thì mình thấy chiếc hộp đựng sản phẩm đã bị mở từ lâu, không còn tem và sản phẩm bị xước nên mình bắt đầu nghi ngờ nguồn hàng anh ấy đưa mình không uy tín. Đến khi điều tra thêm, mình mới biết chiếc flash này lại không phải của anh ấy và cũng không biết rõ chủ sở hữu gốc ban đầu là ai, nhưng vì thân thiết nên mình cũng giúp bán hộ với giá hơn 7 triệu đồng”, T. bày tỏ.

Khi thấy T. bán được hàng thì người anh này tiếp tục liên hệ và hỏi T. có thể nhận bán giúp chiếc máy tính bảng, máy in và một số các thiết bị điện tử khác được hay không? “Lúc này mình mới biết là anh này thua độ bóng đá nên mới nhờ mình bán gấp đồ, mà mình lại rất ghét cá độ nên không nhận. Về sau thì anh này đã tìm được nơi khác để bán được số hàng đó”, T. cho biết.

Sôi động World Cup... kéo theo sôi động cầm đồ - ảnh 2

Việc cầm đồ cần phải có yêu cầu rõ ràng về chính chủ, giấy tờ đầy đủ. THƯỢNG HẢI

Tìm đến một cửa hiệu cầm đồ tên “Lộc Phát” tại đường Huỳnh Văn Lũy, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), chủ cửa hiệu cho biết vào thời điểm World Cup số lượng người tìm đến tiệm để cầm đồ tăng gần gấp đôi so với ngày thường.

Chủ cửa hiệu cho hay: “Người ta đến cầm mọi thứ có thể, như: xe máy, xe hơi, nhà đất và các thiết bị điện tử. Xe máy họ cầm nhiều đến nỗi phải thuê bãi để đậu chứ nhà không chứa hết. Tính chất công việc thì cũng tạo điều kiện để mọi người có thể cầm nhưng phải có giấy tờ chính chủ đầy đủ thì tôi mới dám cầm”. Người chủ này cũng từng rất khó chịu khi có một vị khách đến cầm chiếc xe hơi giá 200 triệu đồng và hẹn sau World Cup sẽ đem tiền lãi đến chuộc với lý do là có “chơi” cá độ.

Tránh tiêu thụ đồ gian

Gõ thông tin tìm kiếm mua đồ cũ mùa World Cup trên mạng xã hội sẽ hiện ra rất nhiều bài viết và hội nhóm đăng bán hàng với những yêu cầu rất đơn giản như bỏ qua giấy tờ, thủ tục và chỉ cần thấy được giá là chốt ngay.

Sôi động World Cup... kéo theo sôi động cầm đồ - ảnh 3

Những bài rao bán, cầm đồ trên các trang mạng xã hội mùa World Cup. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

“Mình có quen biết một vài người bạn trong giới buôn, cụ thể là buôn máy ảnh, đến mùa World Cup hay các giải đấu thể thao sẽ có hiện tượng nhiều người bán tháo các thiết bị của họ với giá rất hời. Đây là dịp để họ có thể thu về nhiều thiết bị tốt với giá thành thấp và bán ra rất được giá”, H.T.T. chia sẻ.

T. cho biết sẽ phân hàng ra làm 2 loại: nếu không có giấy tờ mà đáng tin thì sẽ nhận bán hộ, còn nghi ngờ sản phẩm gian thì nhất quyết không nhận.

Nói về chủ đề mua bán, cầm đồ trong mùa World Cup, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư cho biết: “Khi thực hiện việc mua bán hàng hoá, để tránh những tranh chấp xảy ra hoặc vi pháp luật thì phía người mua cần hỏi, tìm hiểu kỹ thông tin của tài sản được đem bán. Nếu là tài sản bán có giấy chứng nhận (xe máy, xe mô tô, xe ô tô, nhà, đất…) thì phải tuân thủ đúng hình thức là ký hợp đồng mua bán có công chứng, chứng thực hợp pháp. Còn đối với các tài sản không có giấy chứng nhận như tivi, máy tính, điện thoại… thì người mua cần hỏi kỹ nguồn gốc”.

Cũng theo luật sư, để tránh mua phải hàng hoá, tài sản do trộm, cắp đem đi bán thì người mua phải kỹ thuộc sở hữu của ai, tìm hiểu so sánh giữa giá bán và giá trị thực tế, đừng vì ham giá rẻ mà mua phải hàng hoá, tài sản có nguồn gốc không hợp pháp.

“Theo điều 323 Bộ luật hình sự 2015, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, luật sư Nữ cho biết thêm.

Theo Thượng Hải/TNO

 

Bình luận (0)