Theo Bộ GD-ĐT, kết quả xem xét, rà soát hệ thống các trình độ ở Việt Nam (hay hệ thống văn bằng) cho thấy có một số hạn chế. Cụ thể có nhiều loại văn bằng, chứng chỉ thiếu tính thống nhất về tên gọi và sự tin tưởng của xã hội đối với giá trị văn bằng chuyên cao.
Mất niềm tin với văn bằng
Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, mỗi trình độ được diễn đạt thông qua các mục tiêu đào tạo nên khó hiểu và khó có thể diễn đạt một cách đầy đủ. Mối liên hệ giữa văn bằng, chứng chỉ và tuyển dụng, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng còn có một khoảng cách lớn. Nhà tuyển dụng lao động khó hiểu, khó phân biệt, thiếu thông tin về mô tả rõ ràng trình độ đạt được của người học và niềm tin của nhà tuyển dụng vào văn bằng còn hạn chế. Việc cấp văn bằng, chứng chỉ thiếu mối liên hệ chặt chẽ với các điều kiện bảo đảm chất lượng. Các điều kiện bảo đảm chất lượng không được kiểm duyệt chặt chẽ bởi một cơ quan có thẩm quyền duy nhất ở cấp quốc gia giám sát trình độ đào tạo. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc công nhận văn bằng, chứng chỉ giữa các cấp quốc gia cần có một khung tham chiếu về trình độ, thời lượng hoặc tải trọng học tập và các điều kiện đảm bảo chất lượng chuẩn. Do tính phức tạp của hệ thống văn bằng của nước ta nên việc hội nhập về giáo dục, đào tạo và lao động (trao đổi và dịch chuyển lao động) với các quốc gia khác gặp khó khăn, đôi khi gây ra thiệt thòi cho người học và người lao động.
Một chứng chỉ tiếng Anh thay vì chữ đúng là July thì được đánh máy là Yuly (ô tròn). Ảnh: I.T |
Cũng theo Bộ GD-ĐT, hệ thống văn bằng, chứng chỉ còn thiếu tính chuẩn hóa, có ảnh hưởng mang tính tiêu cực đến sự minh bạch của thị trường lao động, dự báo nhu cầu đào tạo, quy hoạch phát triển nhân lực và quy hoạch mạng lưới GD-ĐT, đánh giá năng lực vốn con người, công nhận và miễn trừ cho người học trong việc liên thông, hoặc được công nhận trong việc di chuyển ở thị trường lao động trong và ngoài nước.
Chính vì những hạn chế đã nêu, có thể thấy tính cấp thiết phải có một đề án khung trình độ quốc gia Việt Nam (NQF) để thể chế hóa các trình độ quốc gia và đưa vào thực hiện trong hệ thống GD-ĐT.
Đào tạo ĐH tối thiểu 120 tín chỉ
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, hiện các cơ quan hữu quan đã thống nhất và dự kiến chia NQF thành 8 bậc. Trong đó, chứng chỉ (nghề) I là 10 tín chỉ, chứng chỉ (nghề) II là 20 tín chỉ, chứng chỉ (nghề III) là 30 tín chỉ. Trung cấp 40 tín chỉ, CĐ là 60 tín chỉ, ĐH 120 tín chỉ, thạc sĩ 180 tín chỉ và tiến sĩ là 270 tín chỉ. NQF được xây dựng cơ bản phù hợp với khung tham chiếu trình độ ASEAN. Mỗi bậc gồm: Chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm); khối lượng học tập tích lũy; văn bằng.
Bổ sung vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đường, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, mức 120 tín chỉ ở ĐH chỉ là quy định tối thiểu. Tức là ở trình độ đào tạo ĐH, các trường phải đạt ít nhất 120 tín chỉ. Còn các trường kỹ thuật đào tạo 5 năm có thể lên đến 150 tín chỉ, còn ĐH Y thì lên đến 180 tín chỉ. Cũng theo ông Đường, với quy định này, sự liên thông giữa các bậc học cũng được thực hiện rõ ràng. Ví dụ, khi đã học trình độ ĐH một ngành nào đó đạt 120 tín chỉ, thì khi lên đến trình độ thạc sĩ, người học chỉ còn phải học thêm tối thiểu 60 tín chỉ nữa.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện đề án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2015-2020. Trong giai đoạn này, có ít nhất 50% số ngành đào tạo thuộc giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp được rà soát, chuẩn hóa theo NQF; Giai đoạn 2 từ 2021-2025, giai đoạn này, có ít nhất 90% số ngành đào tạo thuộc giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp được rà soát, chuẩn hóa theo NQF.
Dự kiến kinh phí thực hiện đề án là 150 tỷ đồng.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)