Thế giới hiện có khoảng 44 triệu người mắc Alzheimer, một dạng bệnh mất trí nhớ rất phổ biến. Các chuyên gia cảnh báo con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích giúp phòng ngừa Alzheimer từ sớm, theo Daily Mail.
1. Kích thích bộ não bằng đọc và viết
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Neurology thuộc Hiệp hội Thần kinh Mỹ cho thấy việc kích thích não bộ bằng cách đọc, viết và một số phương pháp khác giúp làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ.
Các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm với 294 người trên độ tuổi 55. Họ phát hiện những người thường xuyên đọc, viết có tốc độ suy giảm trí nhớ chậm hơn 15% so với những người không đọc, viết.
2. Tìm kiếm trải nghiệm mới
Các nơron thần kinh cần phải được kết nối với nhau và hoạt động nhiều hơn, từ đó có thể tạo ra những thay đổi tích cực đến não bộ. Để làm được việc này, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên ù lì mà chủ động tiếp thu thêm kiến thức mới, tìm kiếm thêm những trải nghiệm mới.
3. Giữ bình tĩnh, tránh căng thẳng
"Các hoóc môn sinh ra khi con người trong tình trạng căng thẳng sẽ làm tổn hại đến chức năng não bộ", tiến sĩ Jessica Grahn, một chuyên gia của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh (MRC), cho biết.
Các hoóc môn như adrenalin và cortisol chỉ xuất hiện trong một lúc nào đó. Tuy nhiên, nếu chúng xuất hiện quá nhiều và trong thời gian dài sẽ tác động xấu đến khả năng tập trung. Hoóc môn cortisol quá cao sẽ gây hại cho các tế bào thần kinh ở vùng hippocampus, khu vực chịu trách nhiệm về khả năng tìm hiểu, tiếp thu và ghi nhớ thông tin.
4. Không nên làm nhiều việc cùng lúc
Nếu chúng ta cùng làm nhiều việc trong trạng thái vô thức như vừa nghe radio vừa rửa tay thì không vấn đề gì, tiến sĩ Grahn cho biết. Tuy nhiên, nếu làm cùng lúc 2 công việc mà cả hai đều đòi hỏi sự tập trung và suy nghĩ, dù chỉ một chút, thì cũng không tốt. Chúng ta nên làm từng việc riêng lẽ, ông Grahn nói thêm.
5. Nên dùng 5 giác quan khi tiếp xúc
Chúng ta hay sử dụng thị giác và thính giác khi tiếp xúc với nhau. Nhưng việc ngửi, chạm và nếm cũng có thể kích thích mạnh mẽ trí nhớ.
Các chuyên gia khuyên nên sử dụng 5 giác quan khi tiếp xúc với ai đó, như dùng xúc giác để cảm nhận khi bắt tay đối phương, dùng khứu giác để biết mùi hương…
6. Mỗi ngày ăn nửa kg rau củ, trái cây
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển phát hiện rằng ăn nhiều trái cây và rau củ, khoảng 500 gr/ngày, sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer 30 năm sau đó. Ngoài ra, ăn nhiều cà rốt, trái cây và rau cải còn giúp tăng khả năng nhận thức của bộ não.
7. Chế độ ăn hợp lý
Ở Mỹ, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi sức khỏe của khoảng 3.000 người trong 4 năm. Họ phát hiện những người ăn nhiều dầu ô liu, cá, cà chua, rau quả, trái cây và các loại rau xanh có màu đậm được bảo vệ tốt hơn trước bệnh Alzheimer, đặc biệt là những người ít ăn chất béo, thịt tươi và bơ.
8. Bổ sung nhiều vitamin
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) phát hiện những người có hàm lượng vitamin B12 trong máu thấp hơn 6 lần so với người bình thường sẽ có nhiều khả năng gặp vấn đề về trí nhớ hơn. Vitamin B12 có nhiều trong gan, cá, sò, thịt gia cầm, trứng, sữa và sữa chua…
9. Kiếm tra huyết áp
Những người bị huyết áp cao từ 40 đến trên 50 tuổi rất có thể sẽ bị chứng Alzheimer sau này, các chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, người bệnh có thể làm giảm rủi ro bằng cách điều trị sớm bằng thuốc và điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn.
10. Đi bộ nhanh 45 phút ít nhất 3 lần/tuần
Vận động thể chất giúp các tế bào thần kinh kết nối với nhau tốt hơn, tiến sĩ Grahn tiết lộ. Một nghiên cứu khác cho thấy đi bộ với tốc độ nhanh sẽ tốt cho não hơn là đi bộ với quãng đường dài. Người đi bộ nhanh có khả năng cải thiện hoạt động não bộ và duy trì tập trung tốt hơn.
Theo TNO
Bình luận (0)