Sau một thử nghiệm kéo dài bốn tháng, các nhà khoa học Mỹ kết luận, liệu pháp testosterone không cải thiện được vấn đề xuất tinh ở đàn ông có mức testosterone thấp.
Tác giả chính của công trình, TS Shehzad Basaria (Bệnh viện Brigham ở Boston) cho biết, nhóm nghiên cứu muốn thông qua thử nghiệm để nghiên cứu xem việc thay thế testosterone (hormone nam) có lợi cho điều trị rối loạn chức năng xuất tinh ở nam giới bị mức testosterone trong huyết thanh thấp hay không.
Hãng tin Reuters dẫn lời TS Basaria cho biết, rối loạn chức năng tình dục ở nam giới thường liên quan đến vấn đề ham muốn tình dục, cương dương và xuất tinh. Khoảng 20% đàn ông đến gặp bác sĩ khi có những rối loạn chức năng tình dục liên quan đến vấn đề xuất tinh.
TS Basaria và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 76 người đàn ông có các triệu chứng rối loạn chức năng xuất tinh, như chậm xuất tinh, không thể xuất tinh, giảm lượng tinh hoặc giảm lực phóng tinh.
Tất cả những người đàn ông trên đều có mức testosterone thấp. Không ai trong số họ bị bệnh về xương chậu hoặc có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt, và họ cũng không sử dụng thuốc có khả năng ảnh hưởng đến chức năng xuất tinh. Ngoài ra, không ai trong số họ bị rối loạn cương nặng (khó khăn trong việc xuất tinh có thể xảy ra khi có hoặc không có rối loạn cương dương).
Để thử nghiệm, những người đàn ông nói trên được bổ sung ngẫu nhiên testosterone hoặc giả dược. Trong vòng bốn tháng, những người dùng thuốc được xét nghiệm máu để đo mức testosterone, cung cấp mẫu tinh dịch định kỳ và đồng ý cố gắng quan hệ tình dục ít nhất bốn lần một tháng với cùng một đối tác. Họ cũng phải ghi chép các hoạt động tình dục của mình, bao gồm cả thủ dâm.
Đến cuối cuộc nghiên cứu, những người trong nhóm điều trị testosterone đã tăng mức độ hormone trong máu. Tuy nhiên, vần đề xuất tinh không cải thiện trong cả nhóm dùng testosterone cũng như nhóm dùng giả dược, theo báo cáo đăng trên tạp chí Nội tiết và trao đổi chất lâm sàng. “Nghiên cứu nói rằng thiếu hụt hormone sinh dục nam không phải là tác nhân duy nhất gây ra rối loạn chức năng xuất tinh trong hầu hết các trường hợp này”, TS Ibrahim A. Abdel-Hamid thuộc Đại học Mansoura ở Ai Cập cho biết “nó chỉ tham gia vào”.
Trong khi đó, TS Basaria nói, có thể bốn tháng điều trị “chưa đủ lâu”. Song ông hy vọng kết quả của thử nghiệm tạo động lực để tiếp tục nghiên cứu tìm ra một cách giải thích khác cho tình trạng rối loạn chức năng phóng tinh, ví dụ như các yếu tố tâm lý.
“Giải pháp testosterone được sử dụng ở nhiều nước nhưng chỉ nên làm khi có chỉ định của bác sĩ”, TS Abdel-Hamid cho biết.
THANH HIỀN (Theo Reuters)
Bình luận (0)