Học sinh Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ trong buổi sinh hoạt ngoại khóa để nâng cao kỹ năng sống |
Sáng nay (5-8), học sinh Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ (TP.HCM) sẽ bước vào năm học mới. Nhân dịp khai giảng và kỷ niệm 5 năm thành lập, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ giáo dục học Huỳnh Công Minh – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chuyên môn nhà trường – về những thành quả đạt được và định hướng phát triển.
PV: Thưa ông, được biết Trường THCS – THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ được thành lập bởi những nhà giáo dày dạn kinh nghiệm, tuy đã về hưu nhưng vẫn còn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Vậy, sau 5 năm thành lập, những kinh nghiệm đúc kết trong thời gian công tác đã đóng góp như thế nào đối với học sinh và sự phát triển của nhà trường?
TS. Huỳnh Công Minh: Giáo dục là một khoa học nhưng đồng thời là một hoạt động mang tính xã hội cao. Đây là vấn đề mà nhà quản lý giáo dục phải kết hợp hài hòa giữa sự tinh hoa và tính phổ quát để tổ chức dạy và học tốt trong nhà trường trong điều kiện ngành còn không ít khó khăn. Với sự hiểu biết và kinh nghiệm có được của đội ngũ sư phạm nhà trường, Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ đã giải quyết tốt yêu cầu nói trên, tổ chức hoạt động giáo dục theo chuẩn quốc tế trong điều kiện học phí Việt Nam, đáp ứng yêu cầu học tập mới của học sinh và góp phần thúc đẩy nhà trường phát triển theo hướng hội nhập quốc tế.
Được biết, tuy là một trong những trường dân lập non trẻ nhưng học sinh Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ đã đạt được rất nhiều kết quả khả quan trong học tập và rèn luyện. Ông có thể cho biết kết quả cụ thể?
– Mục tiêu đào tạo của nhà trường là kiên trì theo đuổi đáp ứng mong đợi của phụ huynh và xã hội về con ngoan, trò giỏi, người công dân hữu ích. Học sinh theo học tại trường phải đạt kết quả tốt các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và vào các trường ĐH, CĐ; đồng thời thể hiện được những yêu cầu của con người mới trong xã hội hiện đại, hội nhập, bản lĩnh, tự tin có khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống đề ra, năng lực giao tiếp, tin học, ngoại ngữ tốt.
Cụ thể, khóa đầu tiên, năm 2013 có 4 lớp 12 đậu tốt nghiệp 100%, các năm tiếp theo năm 2014 có 6 lớp 12 và năm 2015 có 8 lớp 12 vẫn luôn ở tốp cao của thành phố về tỉ lệ tốt nghiệp và đậu vào ĐH, CĐ, luôn được phụ huynh tín nhiệm, đồng nghiệp tin yêu.
Là trường thuộc hệ thống ngoài công lập, trường sẽ nhận học sinh từ nhiều địa phương với năng lực học tập khác nhau. Vậy nhà trường đã làm gì để cân bằng khoảng cách giữa các học sinh, nhất là với những học sinh bị mất kiến thức căn bản?
– Đây chính là đặc điểm nổi bật của nhà trường với phương châm dạy học “Thầy dạy cá thể, trò học sáng tạo”. Thầy, cô Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ đều đã quán triệt quan điểm dạy học thu hút, đáp ứng sát với từng đối tượng học sinh. Các em học sinh giỏi luôn được tạo điều kiện để phát huy năng khiếu, phát triển tài năng; các em chưa giỏi sẽ được hướng dẫn phương pháp tự học, nhanh chóng lấy lại căn bản để theo kịp bạn bè.
Kinh nghiệm dạy học cho thấy không có học sinh nào bỏ đi, tất cả đều có thể học được, chỉ khác nhau về cách học, cách tiếp thu và vận dụng, người giáo viên có trách nhiệm phải nắm bắt cụ thể để có cách tác động sát hợp, kích thích học sinh tìm tòi chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện kỹ năng một cách chủ động sẽ thành công. Giáo viên Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ đã thống nhất quan điểm và luôn thực hiện như vậy.
Tôn chỉ mục đích được nhà trường đặt ra là “Nhà trường Việt Nam, phương pháp dạy học quốc tế”. Phương pháp đó là gì, thưa ông? Và làm sao để duy trì được tôn chỉ mục đích này giữa bối cảnh TP.HCM đang có nhiều trường quốc tế để học sinh lựa chọn, nhất là khi trường chỉ thu học phí vừa phải và sĩ số học sinh chỉ từ 20-25 em/lớp?
– Như đã nói trên, phương pháp dạy học hiện đại ngày nay mà các nhà trường tiên tiến trên thế giới áp dụng là dạy cá thể hóa, dạy sát đối tượng học sinh, sơ đồ hóa bài học và tổ chức cho học sinh hoạt động để chiếm lĩnh tri thức và rèn kỹ năng giảm thiểu lý thuyết từ chương nặng nề.
Về cạnh tranh với các trường quốc tế, nhà trường chúng tôi chưa nghĩ tới vì vấn đề học phí tự nó đã xác định thế mạnh của Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ rồi.
Được biết, bên cạnh chương trình văn hóa, nhà trường còn thực hiện những chương trình ngoại khóa khoa học và hiện đại nhằm khắc phục những giới hạn của phương pháp học truyền thống. Vậy, những chương trình ngoại khóa đó là gì và có tác dụng thế nào đối với việc rèn luyện kỹ năng và nhân cách cho học sinh, giúp các em hội nhập tốt với thế giới bên ngoài?
– Nhận thức giản đơn của chúng tôi là muốn học sinh sớm trưởng thành, có kỹ năng sống tốt thì phải tổ chức cho các em hoạt động, trải nghiệm trong cuộc sống thực tế vì kỹ năng là phải “rèn” không phải chỉ có “thuộc lòng”. Vấn đề là sự trải nghiệm ấy phải được chọn lọc theo quan điểm sư phạm của nhà giáo dục.
Nhà trường truyền thống của ta vốn truyền thụ cho học sinh quá nhiều kiến thức, nhưng việc dạy cách học và tổ chức cho học sinh hoạt động để học tập chưa nhiều, chưa đến nơi đến chốn. Trường THCS-THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ cố gắng khắc phục nhược điểm này để hiện đại hóa nhà trường, xây dựng chương trình giáo dục học sinh ngoài nhà trường chiếm một tỉ trọng thời lượng phù hợp trong chương trình chung.
Định hướng hoạt động ngoại khóa của nhà trường là hướng nghiệp và giáo dục truyền thống, nhân văn cho học sinh, theo đó mà tổ chức học sinh dưới hình thức du lịch tham quan, học tập, về nguồn, để học sinh trải nghiệm, đã được học sinh và phụ huynh hoan nghênh tích cực.
Xin cảm ơn ông!
Linh Vy (thực hiện)
Bình luận (0)