Có nhiều người đặt ra câu hỏi là tại sao một số người Việt trở nên hung hãn và dã man như vậy? Các nhà tội phạm học, các chuyên gia tâm lý giáo dục cần phải tiếp tục giải mã.
Để thỏa mãn một nhu cầu nào đó, kẻ ác đã dùng mọi cách để có thể gây ra nguy hiểm cho người khác. Các đối tượng ở đây hoàn toàn khác với những kẻ nghiện ma túy. Phải chăng, họ thiếu hiểu biết? Vì thiếu hiểu biết về pháp luật, có nghĩa là họ không được giáo dục đến nơi đến chốn từ gia đình đến xã hội. Bên cạnh đó cũng có không ít những người có hiểu biết nhưng thiếu kỹ năng xử lý, nhất là kỹ năng đảm bảo an toàn cho người khác. Vì thế, những hành động của họ với người khác đã để lại hậu quả lớn (như dùng súng, búa, dao, gậy… để thực hiện được hành vi dã man của mình). Ở đây chúng ta nên loại trừ yếu tố bản năng, bởi các nhà tội phạm đã khẳng định rằng hành vi độc ác có tính di truyền, song nó chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ khoảng 1/1.000. Và chính yếu tố xã hội ngày nay mà con người đang sống lại làm giảm bớt đi tính chất bản năng này. Do đó, tính di truyền có thể được loại bỏ. Như vậy, yếu tố xã hội là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi độc ác ở con người.
Muốn hạn chế được những hành vi trên, nhất thiết cần được giáo dục bài bản và hướng đến tính thiện. Mỗi con người ngay từ khi sinh ra cần phải được giáo dục tính thiện, sự khoan dung, độ lượng, sống có lý có tình và hình thành các kỹ năng cần thiết khác. Các phương tiện truyền thông cần phải tích cực tuyên truyền đến mọi đối tượng mà nhất là ở vùng sâu, vùng xa để họ hiểu thêm về pháp luật cũng như cách ứng xử giữa con người với nhau. Ở nhà trường cần trang bị cho học sinh các vốn hiểu biết và kỹ năng sống cần thiết, từ đó loại trừ những nét tính cách xấu như: Liều lĩnh, bốc đồng, ngông cuồng, coi thường pháp luật.
Có thể nói, để hạn chế tối đa những vụ đau lòng không đáng có, mỗi người Việt cần được giáo dục ngay từ gốc, đó cũng là sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, giáo dục tình yêu thương giữa con người với nhau phải đặt lên hàng đầu mới hạn chế được tối đa điều ác trong đời sống xã hội. Pháp luật cũng chỉ là cách giải quyết tình thế, bài học đạo đức mới có ý nghĩa từ gốc.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)