Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, học sinh sẽ giảm được áp lực học tập. Ảnh: Anh Khôi |
Nói về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD-ĐT vừa công bố, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên (GV) cho biết là rất mừng vì chương trình tăng thời gian cho học sinh (HS) tự học, trải nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, cạnh đó vẫn có nhiều điểm mà họ còn băn khoăn, lo lắng.
Thầy Cao Đức Khoa (Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TP.HCM):
Có tính đột phá, đổi mới mạnh mẽ
Chương trình THCS hiện hành quá nhiều, còn nội dung nặng hay không tùy thuộc vào GV giảng dạy. HS học tới 13 môn nhưng nếu GV nào cũng đặt nặng bộ môn của mình thì HS sẽ bị quá tải. Vì thế, tôi cho rằng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT mới công bố có tính đột phá, đổi mới rất mạnh mẽ. Nhiều cải tiến về chương trình giáo dục trong dự thảo này phù hợp với thời kỳ mới, hướng tới nhu cầu của người học. Chương trình mới này sẽ đánh giá việc HS thực hành là chính, đưa những nhu cầu thực tiễn của cuộc sống vào để các em học tập nên nếu chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện đúng như dự thảo thì HS sẽ cảm thấy hứng thú, nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là soạn SGK như thế nào để phù hợp với năng lực tiếp nhận của HS, tránh trường hợp quá tải. Một số môn tích hợp nếu không khéo như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thì sẽ gây áp lực cho các em. Vì thế, việc biên soạn SGK đòi hỏi phải kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các trường đào tạo khối ngành sư phạm cũng cần chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với chương trình. Còn với đội ngũ GV ở trường phổ thông, họ cũng cần bồi dưỡng năng lực thêm để đáp ứng tình hình mới. Như vậy, với dự thảo này, HS học tập sẽ thoải mái, nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi GV cần làm việc nhiều hơn, tích cực hơn.
Năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT mới triển khai chương trình SGK mới ở lớp 1, lớp 6, lớp 10 và những năm tiếp theo sẽ triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Những năm gần đây, ngành GD-ĐT TP.HCM đã chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giúp GV đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng dạy tích hợp, dự án… nên 3 năm tới GV sẽ không quá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT cũng cần tăng cường thêm công tác chuẩn bị, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho GV.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP.Cần Thơ):
Vấn đề là người thực hiện!
Tôi đồng ý với dự thảo về mục tiêu giáo dục HS toàn diện, cụ thể là có 8 năng lực với những kỹ năng thiết thực trong cuộc sống như năng lực tự học, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp… Vấn đề là người thực hiện! Bộ GD-ĐT cần tập huấn như thế nào để GV đủ năng lực dạy chương trình tích hợp? Vì GV trung học đều được đào tạo theo chuyên ngành, phù hợp với các môn học của chương trình giáo dục phổ thông truyền thống từ xưa tới nay. Mặt khác, bậc THPT quy định 4 môn bắt buộc, các môn còn lại HS tự học. Liệu như vậy có tạo tình trạng học lệch trong HS? Với chủ trương này tôi e rằng, sắp tới sẽ có nhiều bác sĩ, kỹ sư, cử nhân không biết vua Hùng Vương là ai? Thậm chí rất nhiều người tốt nghiệp ĐH sẽ cho rằng “Vua Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em ruột…” như khá nhiều HS tiểu học hiện nay. Đặc biệt, đa số HS hiện nay rất yếu về khả năng tự học. Không có sự hướng dẫn của thầy cô giáo liệu các em có thể tự học thành công? Như vậy vô hình trung, việc dạy thêm – học thêm càng có điều kiện “nở rộ” trong nhà trường.
Dưới góc độ nhà quản lý, một vấn đề tôi băn khoăn là: Những GV thuộc các bộ môn không phải là môn bắt buộc, nếu chương trình mới giảm giờ dạy thì nhà trường sẽ giải quyết số GV dôi dư như thế nào khi không đủ tiết dạy theo quy định để phân bố cho các thầy cô, trong khi nhà trường thực hiện tự chủ tài chính?
Nhiều giáo viên cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có lợi cho học sinh nhưng lại bất lợi cho thầy cô giáo. Ảnh: A.Khôi |
Đối với môn gọi là công dân với Tổ quốc, theo tôi, tên gọi này quá chung chung, không nói lên cụ thể mục tiêu giáo dục? Đọc từ ngữ này chẳng ai biết sẽ dạy HS nội dung gì, giúp các em rèn luyện và trau dồi những phẩm chất gì? Đề nghị nên dùng cụm từ khác nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa cụ thể hơn đối với môn học này.
Ông Phạm Phương Nam (phụ huynh có con học tại Trường THPT Gia Định, TP.HCM):
Chương trình rất hay!
Bậc THPT cần được học chuyên sâu để định hướng nghề nghiệp nhằm lựa chọn hướng đi đúng đắn, phải được trải nghiệm nhiều để hình thành nhân cách bản thân. |
Ở góc độ một phụ huynh, tôi nhận thấy chương trình được xây dựng rất hay, không bị chồng chéo, trùng lặp như hiện nay, nhất là ở môn lịch sử, địa lý. Tôi luôn băn khoăn là tại sao các bài lịch sử, địa lý đã được học ở chương trình THCS mà lên THPT các cháu vẫn phải học lại. Dự thảo chương trình phổ thông căn bản đã giải quyết rất tốt vấn đề này. Nhiều người cho rằng, cắt giảm lịch sử, địa lý trong chương trình học sẽ khiến các em “buông rơi” những kiến thức văn hóa về đất nước. Tôi lại nghĩ việc cắt giảm là điều hoàn toàn hợp lý và cần thiết vì rất nhiều HS THPT coi hai môn này là những môn học thuộc bài, thậm chí là nỗi ám ảnh. Rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi nhận thấy những hiểu biết về đất nước chỉ thực sự có ý nghĩa khi các cháu chủ động tìm hiểu và tiếp thu. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, ĐH và ra trường đi làm, các cháu sẽ có nhiều thời gian để tìm hiểu vấn đề này từ rất nhiều kênh thông tin như sách vở, báo đài và đặc biệt là Google rất hiệu quả.
Tôi cũng rất tán đồng việc Bộ GD-ĐT đưa thêm các “chuyên đề học tập”, “nghiên cứu khoa học”, “hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, xây dựng “giáo dục định hướng nghề nghiệp” vào khung chương trình phổ thông. Đây sẽ là những hoạt động phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập cho HS. Bậc THPT cần được học chuyên sâu để định hướng nghề nghiệp nhằm lựa chọn hướng đi đúng đắn, phải được trải nghiệm nhiều để hình thành nhân cách bản thân.
N.Anh – D.Bình – Đ.Phượng (ghi)
Sẽ khó cho thầy cô giáo Tôi và rất nhiều GV cảm thấy rất lúng túng khi dự thảo đề cập đến vấn đề dạy tích hợp liên môn trong các môn học. Từ trước tới nay, hầu hết các GV đều chỉ đứng riêng một lĩnh vực chuyên môn nhất định, rất ít GV có thể dạy được từ hai môn trở lên. Hơn nữa, việc kết hợp giữa môn học này với môn học khác để đạt được một kết quả nhất định trong giáo dục là điều rất khó, phải xây dựng chương trình, lộ trình, mục tiêu cụ thể. Tôi từng kết hợp môn hóa và tiếng Anh để dạy tích hợp liên môn và nhận thấy việc dạy này mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi GV phải có sự đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức, trí tuệ vào bài giảng; đồng thời phải có khả năng quan sát, quản lý HS để các em đi đúng với mục tiêu đề ra ban đầu. Tôi cho rằng, trước khi áp dụng phương pháp dạy học liên môn trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các GV cần phải được đào tạo để thích ứng kịp thời với tình hình mới. Và việc đào tạo này sẽ tiêu tốn của Nhà nước, GV một khoản kinh phí và thời gian rất lớn mà không phải ai đào tạo xong cũng áp dụng được. Ở góc độ khác, cá nhân tôi thấy lo lắng cho việc HS tự chọn môn học. Việc tự chọn này tất nhiên sẽ khiến nhiều em hứng thú vì được học môn mình yêu thích, giảm tải áp lực học tập. Nhưng liệu Bộ GD-ĐT đã tính tới hướng đi của những GV thuộc nhóm các môn học không bắt buộc khi trong trường hợp môn học đó không được nhiều HS lựa chọn? GV một trường THPT ở Q.7 (TP.HCM) |
Bình luận (0)