Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Bình yên trên sông nước

Tạp Chí Giáo Dục

Đã có nhiều hiệu ứng tích cực sau 5 năm TP.HCM nỗ lực thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông bình yên sông nước” giai đoạn 2011-2015.

Đó là, người dân đã dần quen với việc mặc áo phao khi qua bến đò, bến phà; tình trạng làm nhà lấn chiếm và nhà vệ sinh ven sông dần được cải thiện; hoạt động bến đò, bến phà dần đi vào nề nếp, bến trái phép dần bị xóa bỏ; học sinh THCS được trang bị kiến thức về Luật Giao thông và kỹ năng phòng chống đuối nước; tình trạng quá tải đường thủy cũng dần cũng được kiềm chế…

5 năm và những đổi thay

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” vừa được tổ chức vào ngày 7-8-2015 vừa qua, Đại tá Võ Văn Vân, Trưởng phòng CSGT đường thủy, Công an TP.HCM khẳng định, cuộc vận động đã góp phần dần lập lại trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn thành phố. Trong đó, công tác tuyên truyền góp phần khá quan trọng trong việc hình thành ý thức người dân và đưa “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đi vào cuộc sống. Cụ thể, từ tháng 8-2011 đến tháng 7-2015, đã thực hiện 47 chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, tình hình trật tự ATGT đường thủy… và đặc biệt đã tổ chức hội thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường thủy và phòng chống đuối nước cho học sinh THCS ở Nhà Bè, Bình Chánh…

Người dân thành phố đã dần quen với việc mặc áo phao mỗi khi qua đò, qua phà

Hiệu quả từ việc vận động tuyên truyền cho thấy, người dân sống ven kênh rạch đã tự giác cam kết không vứt rác xuống kênh, rạch; neo đậu tàu thuyền khi vận chuyển hàng hóa đúng nơi quy định; không san lấp để xây dựng, cơi nới nhà lấn chiếm sông, kênh, rạch; các bến đò, bến phà qua sông ngày càng nề nếp hơn thông qua việc trang bị trang thiết bị  và đầu tư xây dựng cầu bến an toàn; trang bị phao cứu sinh, đèn chiếu sáng; người đi đò ngày càng dần quen với việc mặc áo phao hoặc cầm phao cứu sinh mỗi khi qua đò, qua phà…

Bên cạnh thành công trong công tác tuyên truyền, một thành công đáng kể nữa là việc xây dựng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”. Cụ thể, đã có 29/33 bến khách ngang sông tham gia xây dựng mô hình “Bến khách sang sông văn hóa, an toàn”, 174/300 cảng, bến tham gia xây dựng mô hình “Cảng, bến thủy nội địa văn hóa, an toàn”. Ngoài ra, còn có mô hình “Tuyến sông văn hóa, an toàn”, “Đội tàu văn hóa, an toàn”…

Nỗ lực phấn đấu cho giai đoạn tiếp theo

Theo nhận định từ cơ quan chức năng, hiệu quả từ các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” cho thấy, tai nạn nghiêm trọng được kéo giảm ở cả 3 tiêu chí. Cụ thể, năm 2011, TNGT đường thủy giảm 19% số vụ; Năm 2012, giảm 38% số vụ, 85,7% số người chết, 100% số người bị thương; Năm 2013, giảm 44% số vụ, 100% người chết, không có người bị thương; Năm 2014 (so với năm 2013) giảm 23,8% số vụ, giảm 100% số người chết, số người bị thương không tăng, không giảm.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, xảy ra 5 vụ TNGT đường thủy, so với cùng kỳ năm ngoái thì không tăng, không giảm.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định TP.HCM là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện cuộc vận động ý nghĩa trên. Tuy nhiên ông cũng lưu ý TNGT đường thủy trong thời gian qua được kéo giảm nhưng không bền vững, hành lang ATGT đường thủy bị lấn chiếm, tình trạng quá tải tải trọng và lưu thông đường thủy vẫn còn tồn tại… Do đó, ông đã có đề xuất trong thời gian sắp tới, thành phố cần chú trọng khắc phục những hạn chế còn tồn tại, nhất là chấn chỉnh hành lang an toàn đường thủy và kiểm soát tải trọng các phương tiện vận tải đường thủy, đồng thời biểu dương gương người tốt việc tốt, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đại diện Ủy ban ATGT quốc gia, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT thành phố cam kết sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế trước mắt, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn thành phố và các khu dân cư, chấn chỉnh trật tự ATGT đường thủy, kiện toàn ban chỉ đạo và đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy… Vị phó trưởng ban khẳng định: “Cuộc vận động Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” mặc dù tổng kết 5 năm nhưng sẽ không dừng lại ở đây, mà chúng ta phải nỗ lực thực hiện trong thời gian sắp tới, nhằm góp phần kéo giảm TNGT, đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, tạo được môi trường văn hóa khi tham gia giao thông đường thủy, làm chuyển biến nhận thức và hành động trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và đặc biệt là xây dựng được môi trường giao thông đường thủy văn minh, an toàn”.

Bài, ảnh: Bích Vân

Đại tá Võ Văn Vân, Trưởng phòng CSGT đường thủy nhận định các mô hình “văn hóa giao thông đường thủy” ngày càng phát huy hiệu quả, từ thí điểm 4 mô hình trong năm 2011-2012, nay đã nhân rộng ra 206 cảng, bến, bến khách sang sông, bến phà, đội tàu thuyền. Trong đó có 12 tổ chức đơn vị được công nhận đạt chuẩn “Văn hóa giao thông đường thủy”. 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)