Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học có chiến lược để trúng tuyển ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với học sinh phổ thông, việc đạt được điểm cao ở các môn văn, sử, địa đã khó thì với học viên giáo dục thường xuyên, việc này như “mò kim đáy bể”. Thế nhưng, Trần Minh Thái (học viên Trung tâm GDTX Chu Văn An, TP.HCM) đã làm được điều này.

Điểm cao vẫn xin… phúc khảo

Với 3 môn xét tuyển vào ĐH đạt 24 điểm, trong đó môn văn đạt 7,5 điểm, sử đạt 7,5 điểm và địa đạt 9 điểm, Thái có thể trúng tuyển vào bất cứ ngành nào mà mình yêu thích tại các trường ĐH khu vực phía Nam. Vậy nhưng, Thái lại quyết định làm đơn phúc khảo điểm thi. Thái cho biết: “Môn sử em trình bày và lập luận khá tốt, sát với đáp án của Bộ GD-ĐT nhưng kết quả không như em mong đợi. Dò đi dò lại em cũng không biết được chính xác mình mất điểm ở phần nào nên đã quyết định làm đơn phúc khảo môn này”. Được biết, năm học vừa qua, Thái đã đạt giải nhất môn lịch sử cấp thành phố trong cuộc thi học viên giỏi.

Trần Minh Thái (đứng) trao đổi với bạn về một bài học trong môn tiếng Anh (ảnh do nhân vật cung cấp)

Để đạt được thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, trong suốt 12 năm học Thái đã có những chiến lược học rất cụ thể, bài bản. Thái chia sẻ: “Bản thân em có hứng thú với các môn thuộc lĩnh vực xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Em thích đọc sách, thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, địa lý, xã hội… Vì vậy, em đã trang bị tốt kiến thức nhờ yêu thích, là lợi thế từ trước của em chứ không phải học theo phong trào. Nhiều bạn học các môn xã hội chủ yếu là thuộc lòng, có khi một khái niệm các bạn nói ra được nhưng lại không hiểu, còn nếu yêu thích thật sự thì sẽ tiếp thu, nắm và hiểu bài nhanh, rõ”. Tuy nhiên có sở thích thôi chưa đủ, mà theo Thái cần phải có kiến thức bởi dù đề thi mở, dù có trí nhớ tốt thì việc học giỏi các môn này cũng cần có kiến thức cơ bản trước, sau đó thầy cô mới hướng dẫn để nâng cao suy luận. Nói về phương pháp học tập, Thái cho biết: “Các môn xã hội có khối lượng kiến thức nhiều nên em phải có phương pháp học hợp lý. Chẳng hạn như trước khi đi học thì em sẽ coi bài trước để nắm dàn ý và các ý chính. Có dàn ý rồi nên khi lên lớp em chú ý nghe thầy cô giảng để củng cố thêm kiến thức. Nếu có thể, em học bài luôn trên lớp, chẳng hạn như khi thầy cô đọc một dòng, một dòng để học viên ghi vào vở thì em sẽ học ngay lúc đó, đến khi kết thúc tiết học em đã có lượng kiến thức gần 80% của bài rồi. Đặc biệt, học bài nào xong về nhà em học lại nhanh bài đó liền để nhớ tốt hơn là để tuần sau mới bắt đầu học khi có tiết”. Ngoài ra, Thái còn dùng những mẹo nhỏ để nhớ lâu như dùng bút highlight tô đậm các từ khóa, hệ thống lại kiến thức… để kiến thức sẽ sinh động và dễ nhớ hơn.

Tính toán kỹ khi chọn ngành

Với kết quả đạt được, Thái đăng ký xét tuyển vào Khoa Quốc tế học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và dự tính sau khi tốt nghiệp ĐH, em sẽ học lên thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Thái cho hay: “Thực tế ước mơ của em là học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhưng ngành quốc tế học trường chỉ xét điểm toán, văn, tiếng Anh. Em đã tìm hiểu kỹ thì thấy Khoa Quốc tế học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Khoa Quan hệ quốc tế của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM khá giống nhau về nội dung chương trình…”.

Nói về sự phù hợp giữa sở thích, khả năng với ngành học mình đã chọn, Thái phân tích: “Bản thân em cực kỳ yêu thích du lịch, địa lý, văn hóa ngay từ khi còn bé nên việc học về ngoại giao sẽ là cơ hội tuyệt vời để em trải nghiệm kho tàng tri thức xã hội. Về khả năng, từ lớp 6 đến lớp 12 em luôn là lớp phó phong trào của lớp. Theo thầy cô và bạn bè đánh giá, em cũng là học sinh năng động, dễ hòa nhập, sôi nổi, vui tính. Có tố chất thích hợp với một nhà ngoại giao. Tuy nhiên, vốn ngoại ngữ của em chưa phải là xuất sắc nhưng cũng ở mức tốt nên em sẽ cố gắng thêm”.

Bên cạnh việc tìm hiểu năng lực, sở thích của mình có phù hợp với ngành học hay không, là người khá thận trọng trong mọi quyết định nên Thái cũng tìm hiểu rất kỹ về cơ hội nghề nghiệp. “Đầu năm học lớp 12, em đã tham khảo rất nhiều thông tin trên mạng, báo chí và thấy rằng quốc tế học là ngành có triển vọng. Cơ hội nghề nghiệp của ngành này rất đa dạng, em có thể làm công tác ngoại giao ở các sở ngoại vụ, các vụ thuộc Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, còn có thể làm ở lãnh sự quán, đại sứ quán, các tổ chức hợp tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, công ty tư nhân, các phòng ban đối ngoại…”, Thái hào hứng cho biết.

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)