Cô Huỳnh Thị Kim Hoa (Tổ trưởng Tổ văn – GDCD Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP.Cần Thơ):
Việc tích hợp giữa các môn như thế nào?
Nhìn chung, cảm nhận đầu tiên của tôi đối với dự thảo này là không bị sốc do những thay đổi quá đột ngột, gây hoang mang cho thầy và trò, như những lần cải cách trước đây của Bộ GD-ĐT. Bởi dự thảo mới có lộ trình, có sự chuẩn bị và thực hiện theo kiểu cuốn chiếu. Theo nội dung triển khai thì sẽ có bước thử nghiệm, sau đó rút kinh nghiệm chỉnh sửa hoặc bổ sung. Theo tôi, lộ trình 4 năm đủ để bồi dưỡng đội ngũ GV; các trường sư phạm có thời gian thay đổi giáo trình đào tạo trong đó đi sâu phương pháp giảng dạy tích hợp cho sinh viên cũng như giúp HS phát triển các năng lực. Các em HS có thời gian chuẩn bị để bước vào phương pháp giáo dục mới, không bị hụt hẫng. Nhìn chung, cả thầy và trò đều có thời gian chuẩn bị tâm thế, không cảm thấy mình là “chuột bạch” cho những thí nghiệm cải cách, đổi mới giáo dục.
Vấn đề tôi băn khoăn là: Việc tích hợp sẽ thực hiện giữa các môn như thế nào? Đối với môn ngữ văn, bản chất đã là sự tích hợp bởi “Văn học là nhân học!”. Mà con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, do vậy từ trước đến nay việc dạy văn đều liên quan đến lịch sử, địa lý, các kiến thức tự nhiên và xã hội, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống. Tùy từng bài mà mối liên quan đó nhiều hay ít và nghiêng về phần nào. Nếu tích hợp đưa thành quy định với liều lượng cụ thể, liệu có trở thành gượng ép và làm căng thẳng giờ học môn ngữ văn? Sẽ khiến HS sợ môn học này vì kiến thức quá nặng? Cần nhớ rằng: Một trong những đặc trưng cơ bản của môn văn là giúp HS nhận thức về con người với những tư duy, những góc kín của tâm hồn; và giúp HS sáng tạo, cảm thụ vẻ đẹp – hình thức lẫn nội dung – của tác phẩm. Các em thể hiện điều này qua bài làm mang dấu ấn cá nhân của mình. Nếu bắt HS rập khuôn theo một hình mẫu với những nội dung, những vấn đề tích hợp khô khan thì e rằng việc dạy văn sẽ trở thành gượng ép, HS không còn hứng thú học tập… Ngoài ra, tôi xin nói thêm về vấn đề giáo án, thời gian qua, mỗi đợt cải cách, dù Bộ GD-ĐT nói mục tiêu là giảm tải cho thầy và trò nhưng thực sự đều làm tăng áp lực với chúng tôi, nhất là quy định về các loại sổ sách và phải soạn lại giáo án mới, rất mất công sức và thời gian. Mong rằng chương trình cải cách này không yêu cầu GV phải bổ sung thêm sổ sách và thay hoàn toàn giáo án mới, để GV có thời gian tập trung tốt hơn cho công tác giảng dạy.
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):
Giáo viên muốn tồn tại phải nâng cao tay nghề
Theo dự thảo đổi mới này, một giáo viên (GV) dạy lý có thể tích hợp dạy hóa, sinh và ngược lại. Để làm được điều này phải có thời gian tập huấn, bồi dưỡng cho GV nhằm chuẩn hóa các kiến thức tích hợp. Đồng thời, GV muốn tồn tại cần phải thay đổi tư duy giáo dục, nâng cao tay nghề, phương pháp giảng dạy. Nói chung là phấn đấu không ngừng nghỉ. Tôi cho rằng, GV ở thành phố có thể thực hiện được nhưng thầy cô ở vùng sâu vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn thì rất khó để thực hiện. Với những đổi mới này, bộ phận quản lý giáo dục cần đổi mới khi đánh giá GV sao cho phù hợp với tình huống mới.
Nhìn chung, dự thảo về chương trình giáo dục phổ thông này sẽ xây dựng các bộ môn tích hợp, giảm bớt nội dung chương trình để phát huy tính thực hành, ứng dụng khoa học vào đời sống cho học sinh (HS) rất hay. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần tăng cường các lớp tập huấn để không gây hoang mang trong đội ngũ GV, ổn định giáo dục.
Đ.Phượng – D.Bình (ghi)
Bình luận (0)