Đối với môn lịch sử, dạy học không chỉ bằng phương pháp thuyết trình mà còn thông qua các mô hình, sa bàn, tranh ảnh…; từ đó giáo viên làm “sống lại” những khoảnh khắc lịch sử học sinh cần ghi nhớ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là không phải dạy bằng những đồ dùng gì mà phải dạy như thế nào thông qua các loại đồ dùng trực quan đó.
Trước hết cần định nghĩa phương pháp dạy trực quan là hệ thống cách thức, biện pháp giáo viên (GV) sử dụng đồ dùng hoặc phương tiện trực quan nhằm huy động toàn bộ giác quan của học sinh (HS) như nghe, nhìn, đọc tham gia vào quá trình nhận thức; qua đó làm cho việc tiếp thu kiến thức trở nên dễ dàng và tạo thêm cơ hội rèn luyện các kỹ năng cho các em.
Đồ dùng trực quan là cách gọi chung nhưng thực sự được chia làm 3 nhóm chính. Thứ nhất là nhóm đồ dùng trực quan hiện vật, bao gồm những di tích lịch sử, di tích cách mạng, những di vật khảo cổ… Có thể coi đây là tài liệu gốc có giá trị được lưu giữ trong các trung tâm lưu trữ, viện bảo tàng hoặc tại các di tích. Vì thế trong điều kiện thuận lợi, GV có thể tổ chức dạy học bộ môn này tại các địa điểm trên. Đó là cách dạy học tại chỗ. Thứ hai là nhóm đồ dùng trực quan tạo hình, bao gồm mô hình, sa bàn và các loại đồ phục chế khác. Ngoài ra còn là các hình vẽ, tranh ảnh, phim tư liệu có chủ đề về lịch sử. Các loại đồ dùng trực quan tạo hình có khả năng khôi phục lại hình ảnh của con người, đồ vật sự kiện lịch sử một cách cụ thể, sinh động và khá chân thực. Thứ ba là nhóm đồ dùng trực quan quy ước, bao gồm các loại bản đồ lịch sử, niên biểu, đồ thị, sơ đồ… Việc quan sát đồ dùng trực quan quy ước giúp HS khả năng quan sát, tư duy, nhận xét và kết luận. Không khôi phục lại hình ảnh của sự vật, hoạt động của con người, đời sống xã hội trong thể hoàn chỉnh, đồ dùng trực quan quy ước chỉ phản ánh những mặt định lượng và định tính quá trình lịch sử. Do đó khi nhìn vào đồ dùng trực quan quy ước như niên biểu, sơ đồ và lược đồ, buộc HS phải suy nghĩ, nhận xét, phán đoán, hình dung các sự kiện, hiện tượng diễn ra trong quá khứ. Điều đó sẽ kích thích sự hứng thú, tò mò và suy nghĩ của các em để có thể diễn đạt bằng lời nói chính xác có hình ảnh rõ ràng, cụ thể về bức tranh xã hội đã qua.
Giáo viên và học sinh trên địa bàn TP.HCM tham quan mô hình biển, đảo Việt Nam. Ảnh: N.Trinh |
Tuy nhiên, người dạy phải nắm vững nguyên tắc sử dụng đồ dùng trực quan để phát huy tính năng và hiệu quả. Trước hết GV phải lựa chọn đồ dùng dạy học phù hợp với mục tiêu và nội dung bài học. Bên cạnh đó phải tìm hiểu kỹ ý nghĩa, nội dung của từng loại đồ dùng trực quan, xác định đúng mục đích sử dụng từng loại cho từng nội dung phù hợp nhất. Ngoài ra, GV cần lựa chọn và đưa đồ dùng dạy học đúng lúc đúng thời điểm mới gây ấn tượng tốt với HS. Muốn có hiệu quả tốt, GV phải có phương pháp sử dụng phù hợp. Nên nhớ rằng, không chỉ để minh họa, đồ dùng dạy học còn bổ sung kiến thức, hướng dẫn HS phân tích sự kiện để hiểu sâu sắc hơn. Kết hợp dùng lời nói với việc trình bày các hình ảnh trực quan như miêu tả, tường thuật, kể chuyện, diễn giảng, giải thích… nhằm làm rõ nội dung, ý nghĩa của sự kiện lịch sử được minh họa qua các đồ dùng trực quan. Cuối cùng, GV phải làm sao sử dụng đồ dùng trực quan như là kênh thông tin hình ảnh có giá trị khoa học, thẩm mỹ và cả giáo dục tư tưởng cho HS.
ThS. Thái Thị Hoàn
(Giảng viên Trường CĐ Sư phạm Khánh Hòa)
Những công cụ hỗ trợ khác Ngoài các loại đồ dùng trực quan nêu trong bài thì bảng viết cũng là phương tiện sử dụng phổ biến và truyền thống nhất. Hiện nay có hai loại là bảng viết phấn và bảng viết bằng bút dạ. Ngoài ra, máy chiếu hắt, radio, máy ghi âm, ti vi, máy tính… cũng là các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ đắc lực cho tiết học sử thêm sinh động. Tất cả được xem là giáo cụ trực quan rất cần thiết trong mỗi giờ dạy học. |
Bình luận (0)