Có hai câu chuyện kể về lời khuyên của bố và hai cách ứng xử khác nhau của những người con trước những lời khuyên của đấng sinh thành.
Câu chuyện thứ nhất: Ông nội đặt tên cháu
Hai vợ chồng trẻ sinh con. Trước khi đứa bé chào đời, việc đặt con tên gì cũng đã được gia đình bàn bạc rất nhiều. Vợ chồng thích đặt cho cậu con trai cái tên vừa đẹp vừa phù hợp với sự tiến bộ của thời đại. Ông nội cũng muốn giành quyền đặt tên cháu. Với cái tên vợ chồng con trai đặt, ông không thích. Ông bàn hai vợ chồng đặt tên khác, cái tên ít trùng với nhiều người. Quả thật với cái tên ông đặt, thời đại này ít bị “đụng hàng” tuy nó không đẹp. Vợ chồng trẻ không hài lòng lắm về cái tên ấy, nhưng ông nội phán, nếu không đặt tên ấy thì ông sẽ không làm đầy tháng hoành tráng cho cháu, vợ chồng tự làm lấy. Vợ chồng bất đắc dĩ đồng ý đặt tên theo ý ông nội.
Tại sao vợ chồng không đặt tên con mà mình thích? Không biết đứa trẻ lớn lên có thực sự hài lòng với cái tên như thế không?… Thời đại này, cái tên cũng khá quan trọng, nên đặt tên con cũng cần phải làm thế nào cho phù hợp.
Câu chuyện thứ hai: Học thạc sĩ ở nước ngoài
Cô con gái sắp ra trường, người bố khuyên con nên ra nước ngoài học để lấy cái bằng thạc sĩ rồi quay về nước làm việc cho oai. Người con trả lời: “Bố ạ, đã giỏi thì học ở đâu cũng giỏi. Con không muốn học thạc sĩ bây giờ đâu ạ! Con cần đi làm để có kinh nghiệm rồi học tiếp. Hiện tại có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp vì… chỉ có bằng cấp mà không có kinh nghiệm thực tế đấy thôi!”. Cô con gái được mọi người nhận xét là rất cá tính. Cô bé nói phải. Có lẽ đặt trường hợp mình vào hoàn cảnh như vậy, người khác sẽ hiểu vì sao cô bé không muốn làm theo lời khuyên của bố.
Một số người coi sự học chủ yếu là để có tấm bằng “lấy le” với thiên hạ. Đâu cần phải sính bằng cấp. Đâu cần phải khoác trên mình cái vỏ thạc sĩ, tiến sĩ. Học mà không hành thì chẳng có tác dụng. Bởi vậy, người con nói như thế là phải lẽ dù có vẻ không tôn trọng bố. Cô gái có suy nghĩ, tính toán thực tế và không muốn vì chạy theo hình thức, chạy theo “bệnh sĩ” rồi biến mình thành “thạc sĩ, tiến sĩ giấy”.
Thực tế cho thấy, không phải con cái cứ răm rắp nghe lời bố mẹ là đúng. Con cái luôn biết kính trọng đấng sinh thành, luôn ghi nhớ công ơn sinh thành của bố mẹ. Tuy nhiên, có những lời khuyên của bố mẹ, nếu không phù hợp thì con cái cần trao đổi cụ thể, thẳng thắn với bố mẹ để tránh những kết quả không hay về sau. Thế hệ trẻ ngày nay cần sống có bản lĩnh, giữ vững lập trường của mình nếu đúng đắn.
Hoàng Thái Hùng
(Giáo viên Trường THCS – THPT Bác Ái, TP.HCM)
Bình luận (0)