Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố đã làm cho tất cả những ai quan tâm đến giáo dục đều chú ý, nhất là các thầy cô giáo.
Nhìn tổng thể, mọi người đều thấy cái mới, cái hay của chương trình mới. Thế nhưng, điều mà tôi quan tâm nhất chính là phần gốc: Nội dung chương trình – sách giáo khoa và lực lượng giáo viên.
Theo dự thảo, năm học 2018-2019 sẽ triển khai chương trình giáo dục mới theo hình thức cuốn chiếu bắt đầu từ lớp 1, lớp 6, lớp 10. Điều này làm tôi nhớ đến lần ngành giáo dục tiến hành cuộc đổi mới thay đổi chương trình – sách giáo khoa gần đây nhất vào những năm 2000 cũng theo lối cuốn chiếu. Ở bậc tiểu học, khi thay đổi đến lớp 5, ngay sau năm kế tiếp, giáo viên lại tiếp tục phải thực hiện điều chỉnh chương trình theo hướng giảm tải vì dư luận xã hội cho rằng chương trình tiểu học quá nặng nề. Sau đó, chương trình tiểu học lại bị “quá tải” do yêu cầu phải tích hợp giáo dục vào tất cả môn học các nội dung: “Bảo vệ môi trường”, “Kỹ năng sống”, “Sử dụng năng lượng tiết kiệm” và “Giáo dục tài nguyên môi trường biển và hải đảo”… Sách giáo khoa thì bị cắt xén bớt bài để giảm tải, còn bài giảng của giáo viên phải thêm vào phần tích hợp. Để dạy một bài, giáo viên phải xem tài liệu chuẩn kiến thức, đọc điều chỉnh chương trình và nghiên cứu bài để tích hợp cho phù hợp. Thầy cô giáo tốn biết bao thời gian và công sức. Mọi thứ như rối rắm hơn, manh mún hơn. Chính vì thế, giáo viên tiểu học rất mong một chương trình – sách giáo khoa cụ thể, chặt chẽ hơn để không phải giảm cái này, tăng cái kia khi mới vừa tiến hành thay đổi xong.
Giáo viên đang tập cho học sinh tiểu học viết chính tả. Ảnh: N.TRinh |
Giáo viên tiểu học rất mong một chương trình – sách giáo khoa cụ thể, chặt chẽ hơn để không phải giảm cái này, tăng cái kia khi mới vừa tiến hành thay đổi xong. |
Theo dự thảo chương trình mới, các môn học có tính chất liên môn. Bởi thế, tôi tự hỏi lực lượng giáo viên liệu có đủ đáp ứng cho chương trình sắp tới không vì thời gian quá gấp. Giáo viên THCS và THPT hiện nay thường chỉ dạy đơn môn. Vậy khi tiến hành chương trình mới, bao nhiêu thầy cô giáo đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo thực tế. Hiện nay, các trường sư phạm vẫn chưa đào tạo giáo viên theo yêu cầu của chương trình như dự thảo và nếu có đào tạo theo yêu cầu ngay trong năm học 2015-2016, thì 4 năm nữa (năm 2021) mới tốt nghiệp, liệu số giáo sinh ra trường có đủ đáp ứng theo nhu cầu xã hội? Ngay ở tiểu học, Đề án 2020 (dạy tiếng Anh ở tiểu học) đã được một số trường thực hiện đến nay sắp bước vào năm thứ 3. Thế nhưng, ngay thời điểm sắp bước vào năm học mới mà số giáo viên biên chế thực hiện theo đề án này thiếu hụt rất nhiều, một giáo viên phải dạy quá nhiều lớp… Do đó, điều tôi lo là lực lượng giáo viên liệu có đủ lượng, đủ chất theo chương trình mới sắp tới?
Theo tôi, dự thảo chương trình phổ thông tổng thể vừa công bố chỉ là phần ngọn. Chúng tôi – những giáo viên trực tiếp giảng dạy – đang mong chờ một sự chuẩn bị phần gốc thật kỹ lưỡng, chu đáo trước khi thực hiện để có thể đáp ứng được mong mỏi của toàn xã hội về công cuộc GD-ĐT của đất nước trong tương lai.
Lê Phương Nhân Tâm (Giáo viên tiểu học tại TP.HCM)
Ngày 17-8, học sinh tựu trường năm học mới UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố. Theo đó, học sinh các bậc học sẽ đồng loạt tựu trường vào ngày 17-8; riêng bậc mầm non tựu trường vào ngày 7-9. Năm học mới 2015-2016 sẽ khai giảng vào ngày 5-9 với 32-37 tuần thực học tùy theo bậc học. Thời gian còn lại dành cho các hoạt động khác. Ngoài ra, học sinh được nghỉ Tết âm lịch từ ngày 1-2-2016 đến 14-2-2016. N.N |
Bình luận (0)