Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bài 1: Đánh giá năng lực tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Việt Nam, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã cho phép các sở GD-ĐT địa phương công nhận, ứng dụng kết quả các bài thi trong hệ thống bài thi TOEFL (được phát triển bởi Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ – ETS)  vào tuyển sinh, đánh giá định kỳ, xét tốt nghiệp ở các bậc học, phù hợp lộ trình triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

Hệ thống bài thi TOEFL bao gồm TOEFL Primary, TOEFL Junior, TOEFL ITP và TOEFL iBT. Mỗi bài thi phản ánh năng lực ngôn ngữ, nhận thức và độ tuổi người sử dụng, đồng thời đánh giá kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Điểm số các bài thi đều được quy đổi sang khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR), tương ứng các bậc theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

TOEFL dành cho thiếu niên, nhi đồng

Thứ nhất là bài thi TOEFL Primary. TOEFL Primary đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học, giúp người dạy định hướng, phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp cho các em ngay từ nhỏ theo chuẩn quốc tế. Bài thi này thể hiện ở cấp độ 1 và cấp độ 2, bao gồm hai phần: Nghe hiểu và đọc hiểu. Các câu hỏi trong bài thi xoay quanh bối cảnh gia đình, nhà trường, những trải nghiệm hàng ngày, các hoạt động ngoại khóa của trẻ…, cho đến công thức toán học cơ bản, từ vựng cơ bản. Mức độ yêu cầu trong các câu hỏi sẽ cao dần về những thành ngữ, lời yêu cầu, chỉ dẫn, cụm từ cơ bản, đoạn truyện ngắn, đoạn văn, hội thoại xoay quanh chủ đề cuộc sống hàng ngày. Điểm số được quy đổi sang CEFR, trên dải năng lực từ A1 đến B1 (tương ứng bậc 1 đến bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam). Thứ hai là bài thi TOEFL Junior. TOEFL Junior đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trên hai phương diện học thuật và xã hội, qua đó đánh giá mức độ thành thạo, khả năng thành công của người sử dụng trong các trường phổ thông. Kết quả này thể hiện ở các kỹ năng: Nghe hiểu, ngữ pháp – từ vựng và đọc hiểu.

Học sinh học tiếng Anh với giáo viên người bản xứ. Ảnh: N.Trinh

Với mức độ khó trung bình, bài thi đánh giá năng lực học sinh tương đương trình độ từ A2 đến B2 theo CEFR. Cụ thể, tổng số điểm bài thi từ 600 đến 900 điểm, trong đó thí sinh đạt từ 655 điểm sẽ tương đương trình độ A2. Đạt 745 điểm tương đương trình độ B1 và đạt từ 845 điểm tương đương trình độ B1 theo CEFR. Với kết quả đánh giá theo dải điểm, bài thi này có ưu điểm ước lượng năng lực sử dụng tiếng Anh không chỉ tại một thời điểm mà có thể đánh giá theo giai đoạn phát triển ngôn ngữ bậc trung cấp của học sinh.

Đánh giá năng lực trong môi trường học thuật

Hiện có hơn 9.000 trường học trên 130 quốc gia sử dụng hệ thống bài thi TOEFL (được phát triển bởi Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ – ETS) để tuyển sinh, phân loại, xếp lớp.

Đứng đầu là bài thi TOEFL ITP. TOEFL ITP đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh cho các cá nhân không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa. Nội dung các câu hỏi trong bài thi mang chủ đề học thuật. Bài thi đánh giá năng lực của người sử dụng từ trung cấp đến cao cấp theo thang điểm từ 310 đến 677 điểm, được quy chiếu tương ứng từ bậc 2 đến bậc 6 theo CEFR. Với thang đánh giá rộng và quy chuẩn, điểm số TOEFL ITP đang được ứng dụng tại nhiều cấp bậc đào tạo từ xét tốt nghiệp THPT đến đánh giá quá trình học tập tại bậc ĐH-CĐ, tuyển sinh đầu vào thạc sĩ, tiến sĩ của các chuyên ngành đào tạo nội địa. Thứ hai là bài thi TOEFL iBT. TOEFL iBT đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật, sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ đào tạo chính. Bài thi có nội dung học thuật 100%. Các kỹ năng đánh giá trong bài thi gồm: Đọc hiểu, nghe hiểu, nói và viết.

Với kỹ năng đọc hiểu được cấu trúc xuyên suốt trong các bài thi đánh giá năng lực sử dụng, ETS triển khai phương pháp quy đổi điểm số của người sử dụng theo thang điểm Lexile công cụ hữu ích để lựa chọn sách, tài liệu rèn luyện kỹ năng đọc hiểu tương ứng với trình độ hiện tại và phù hợp với sở thích của người học, làm cơ sở phát triển các kỹ năng ngôn ngữ còn lại, tích lũy kiến thức và phát triển tư duy. Điểm số TOEFL iBT không chỉ sử dụng cho mục đích tuyển sinh, xét học bổng, xếp lớp mà còn sử dụng trong xin thị thực (visa), nhập cư (immigration) tại Hoa Kỳ, Úc, Anh, Canada và các quốc gia châu Âu khác.

Có thể thấy, hệ thống đánh giá TOEFL đang mang lại kết quả đo lường chính xác khả năng giao tiếp thông qua cách đánh giá kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng tư duy, nhận thức và độ tuổi của người sử dụng. Hệ thống bài thi phù hợp để triển khai cho mục đích tuyển sinh, xếp lớp, góp phần nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đoàn Hồng Nam (Chủ tịch IIG Việt Nam)

LTS:  Hai số báo trước, Giáo dục TP.HCM đã thông tin đến bạn đọc kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS (Vượt qua “nỗi sợ” trong kỳ thi IELTS, ngày 10-8) và sự khác nhau giữa 3 chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC, TOEFL và IELTS (Sự khác biệt giữa các chứng chỉ ngoại ngữ, ngày 12-8). Số báo này, tòa soạn xin giới thiệu đến bạn đọc thông tin về hệ thống bài thi TOEFL.

 

Bình luận (0)