Tòa soạnThư đi – tin lại

Góc nhìn phụ huynh: Bạo hành – vết trượt dài của giáo dục gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi ở cạnh nhà hàng xóm có cậu con trai đang học lớp 3. Và hằng đêm tôi với cô bé chung phòng đều phải thóp tim khi nghe người mẹ trẻ dạy con học kèm những câu chửi rủa thậm tệ, và cả những tiếng bốp bốp một cách không thương tiếc. Có những buổi cơm tối tôi không nuốt nổi khi nghe người mẹ trẻ ấy lôi cả dòng họ nhà chồng ra mà chửi thằng bé. Những câu chửi đay nghiến lên đứa trẻ con chưa tới 10 tuổi khiến nó chẳng hiểu gì để mà phản ứng lại?

Thỉnh thoảng tôi hay tham gia những khóa học về tư duy và phát hiện ra rằng 99,9% những học viên đứng lên chia sẻ những vấn nạn mà mình đang gặp phải trong cuộc sống đều xuất phát điểm từ nguyên nhân họ gặp những tổn thương tâm lý từ thời ấu thơ. Những vết thương do chính những người thân thiết của mình; là những người cha người mẹ hay ông bà cô chú của họ vô tình gây ra. Tôi xin phép dùng từ “vô tình”, bởi đơn giản từ ngàn xưa ông bà ta đã mặc định câu nói: “Thương cho roi cho vọt”. Cái mặc định cố hữu xem ra có phần lỗi thời kia đã vô tình ghim vào tư duy của thế hệ trẻ – nhất là các vùng quê nghèo họ xem roi vọt là một nền giáo dục căn bản để làm nên nhân cách một con người.

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến những anh bạn làm CEO, làm tiến sĩ, bác sĩ… họ rất thành đạt, rất giàu có. Nhưng họ đã khóc tức tưởi trước mấy chục người xa lạ lúc đứng lên chia sẻ những nỗi đau từ thời thơ ấu của mình, những câu chuyện họ chôn giấu chặt trong tâm hồn mình. Nhưng ít ai ngờ rằng sự tổn thương vẫn cứ ám ảnh đến mấy chục năm sau; đến khi họ cưới vợ, sinh con, rồi họ có rất nhiều nhân viên cấp dưới mình và cái vòng tổn thương kia vẫn bao phủ lên những người xung quanh họ. Mọi người không ai biết tại sao họ lại hành xử như vậy và ngay cả chính họ cũng không biết tại sao mình lại hành xử như vậy cho tới khi tham gia vào các khóa học về tư duy thì mới vỡ lẽ một điều: Thì ra họ cũng là những nạn nhân của nạn bạo hành từ tấm bé.

Giá mà có nhiều cha mẹ hiểu ra vấn đề cốt lõi ở chỗ hãy giáo dục con cái bằng sự làm gương của chính mình trước, rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện tìm thầy giỏi trường tốt cho con học thì hay biết mấy.

Có lần học môn quản lý con người của lớp giám đốc tiếp thị chuyên nghiệp, một giảng viên người Mỹ nói với chúng tôi rằng: “Hãy quản trị con người bằng sự làm gương”. Rất ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Bởi hãy thử hình dung khi bắt đứa con đi học bài mà ông bố thì ôm iPad chơi game, còn người mẹ thì dán mắt vào cái ti vi. Hay đơn giản như chuyện dạy con trung thực không được nói dối. Nhưng hễ hôm nào con bị điểm kém là kéo con sang nhà thầy cô chủ nhiệm để quà cáp xin xỏ cho nó được điểm cao hòng không bị ở lại lớp. Tất nhiên đứa trẻ thường nhìn vào hành động của cha mẹ mà bắt chước vì bộ não thường ghi nhớ hình ảnh tốt hơn là ghi nhớ các con chữ.

Chính bởi điều đó nên một đứa trẻ sống trong môi trường bị bạo hành thì lớn lên nó buộc có xu hướng bạo lực với mọi người xung quanh; như một sự tái diễn từ những gì mà ngày trước bộ não nó tiếp nhận được và như một sự trả thù cho những gì mà ngày bé nó đã bị nếm trải.

Trần Trà My

Bình luận (0)