Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2020, TP.HCM có nhu cầu trên 323.000 việc làm, trong đó 135.000 việc làm mới. Có 8 nhóm ngành được dự báo tiếp tục thu hút nhân lực trong năm tới.
Sinh viên Trường ĐH Văn Lang tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm do trường vừa tổ chức
Cụ thể, 8 nhóm ngành trên gồm: CNTT – điện tử, cơ khí – tự động hóa, công nghệ thực phẩm, thương mại điện tử, logistics, du lịch – nhà hàng – khách sạn, tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm, dệt – may – giày da. Bên cạnh đó, các nhóm ngành tư vấn – chăm sóc khách hàng, giáo dục, y tế, kiến trúc, xây dựng… tiếp tục nhận được nhiều chú ý.
Mỗi quý cần trên dưới 80.000 chỗ làm
Ở quý I/2020, TP.HCM có nhu cầu khoảng 81.800 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành: Kinh doanh – thương mại, dệt – may – giày da, tư vấn – chăm sóc khách hàng, vận tải, CNTT…; Quý II cần khoảng 78.200 chỗ làm và quý III cần 80.400 chỗ làm. Ở quý II và III, các doanh nghiệp ổn định sản xuất – kinh doanh, nhu cầu nhân lực chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề, tập trung ở các nhóm ngành: Cơ khí, CNTT – điện tử, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, vận tải. Riêng quý IV, thành phố cần khoảng 82.600 chỗ làm. Đây là thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất trong năm. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán năm 2021, nhu cầu nhân lực sẽ có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động thời vụ, bán thời gian. Theo đó, nhu cầu nhân lực trong quý tập trung ở các nhóm ngành: Kinh doanh – thương mại, cơ khí, vận tải, tư vấn – chăm sóc khách hàng, CNTT – điện tử.
Nhu cầu nhân lực năm 2020 của TP.HCM tập trung ở các nhóm ngành: Kinh doanh – thương mại (chiếm 18,7%), dịch vụ – phục vụ (12,7%), vận tải – kho bãi (7%), dệt may – giày da (5,5%), cơ khí – tự động hóa (5,3%), tư vấn – chăm sóc khách hàng (4,6%), kế toán – kiểm toán (4,3%), dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn (3,9%)… |
Dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo năm 2020 chiếm 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 25,6%; TC chiếm 21,5%; CĐ chiếm 17,9%; ĐH trở lên chiếm 19,8%.
Nhà trường, doanh nghiệp nên gắn kết đào tạo
Trước nhu cầu nhân lực của thị trường lao động năm 2020, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng người lao động cần xác định rõ năng lực bản thân, trang bị các kiến thức, kỹ năng; xây dựng thái độ làm việc tích cực, khoa học, khả năng tương tác và kết nối, thích ứng với môi trường làm việc hội nhập… Theo đó, trung tâm đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, hỗ trợ công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề; tập trung gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa hai bên, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường, từ đó cùng chủ động nắm bắt và đón đầu các nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đào tạo cần xây dựng kế hoạch cụ thể, dài hạn, hướng đến thị trường lao động; xây dựng kế hoạch đào tạo, thực tập cho sinh viên một cách thiết thực, tạo cho sinh viên khả năng tư duy, kỹ năng và tinh thần đạo đức tốt khi tham gia vào thị trường lao động; cập nhật bổ sung đào tạo các ngành nghề mới trong giai đoạn hội nhập, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể phát triển nhân lực, trong đó ưu tiên đội ngũ nhân lực có trình độ cao; đầu tư công nghệ phù hợp với xu hướng phát triển cho quá trình sản xuất kinh doanh; tạo môi trường làm việc phát huy tính tư duy, sáng tạo của người lao động; gắn quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực với chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.
T.Trân
Bình luận (0)