Nửa chặng đường xét tuyển nguyện vọng 1 trôi qua, nhiều thí sinh hối hả rút hồ sơ đã nộp vào ngành yêu thích vì không có khả năng trúng tuyển. Trong khi đó, có không ít phụ huynh lại quyết tâm cho con em vào ĐH dù ngành học mà thí sinh yêu thích không còn hi vọng trúng tuyển.
Sẵn sàng học ngành khác
Mơ ước trở thành giáo viên dạy hóa nên ngay khi lên lớp 10, em Nguyễn Thị Trúc Mai (Lâm Đồng) đã dành mọi tâm huyết cho môn học này. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015, Trúc Mai đạt số điểm khá cao – 32,5 (trong đó điểm môn hóa được nhân đôi). Gia đình hi vọng em sẽ trúng tuyển vào ngành sư phạm hóa của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Vậy nhưng, với số điểm này, Trúc Mai đứng ở hàng 500 trong số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm hóa, trong khi ngành này chỉ lấy 80 chỉ tiêu. Trúc Mai cho biết: “Dù em rất muốn theo học ngành sư phạm hóa của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng không thể đỗ được. Trường ĐH Đà Lạt ở quê em có đào tạo ngành sư phạm hóa, nếu chọn học ở trường này thì điểm của em nằm trong tốp 10 ngành sư phạm hóa. Tuy nhiên em không thích về học ở trường tỉnh. Vì vậy, em dự kiến sẽ nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hoặc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM”. Tuy dự định của Trúc Mai là vậy, nhưng gia đình vẫn hướng em chọn nghề theo sở thích nên khuyên em đăng ký học Trường ĐH Đà Lạt.
Trao đổi với chúng tôi khi đưa con gái đến rút phiếu đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chị Nguyễn Thị Dung (Q.10, TP.HCM), khẳng định: “Nhất thiết con gái tôi phải vào được ĐH nên bây giờ, tôi phải chọn trường trước rồi mới chọn ngành sau. Con tôi thi được 19 điểm, chắc chắn không đỗ vào ngành ngôn ngữ Anh mà cháu yêu thích. Do đó, tôi quyết định rút hồ sơ và đăng ký lại cho cháu. Cụ thể, chúng tôi vẫn nộp hồ sơ vào trường này nhưng nguyện vọng 1 đăng ký vào ngành ngôn ngữ Pháp, nguyện vọng 2 vào ngành quản lý giáo dục”.
Có mặt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 14-8, chúng tôi thấy có rất nhiều thí sinh đến đây rút hồ sơ, trong số đó có không ít thí sinh phải từ bỏ giấc mơ trở thành giáo viên để chọn những ngành khác ở trường có điểm chuẩn thấp hơn.
Tương tự, ở các trường khác như ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Ngoại thương TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM…, số thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng sang ngành khác hoặc rút hồ sơ rất nhiều. Đa số thí sinh nhận định: Thà học ngành không thích hay vừa học vừa ôn thi lại chứ không thể để rớt nguyện vọng 1, vì các em cho rằng rớt nguyện vọng này khả năng đậu ở các trường ĐH khác là rất thấp.
Dễ chán khi không yêu thích
Cả nước hiện có hơn 500 trường ĐH, CĐ, mỗi năm cung ứng hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư cho thị trường lao động. Vậy nhưng, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có đến 40% sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng không tìm được việc làm. Đó là chưa kể tình trạng những em có được việc làm nhưng lại làm trái ngành nghề. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay ngoài những nguyên nhân khách quan thì cơ bản vẫn do thụ động, không tự trang bị kỹ năng nghề nghiệp hay định hướng nghề nghiệp kỹ cho bản thân.
Tại TP.HCM, cơ hội việc làm hiện đang rất cao. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hepza, cho biết: “Mỗi năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM cần khoảng 25 ngàn đến 30 ngàn lao động. Nhu cầu lao động qua đào tạo ngày càng cao, chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, một bộ phận khá lớn sinh viên ra trường không tìm được việc làm, có đến 60% kỹ sư, cử nhân chấp nhận làm trái ngành học. Nguyên nhân là do họ thiếu kỹ năng thực hành, thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ…”.
ThS. Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, phân tích: “Để chọn ngành nghề phù hợp, thí sinh phải dựa vào năng lực, sở thích, thị trường lao động trong tương lai… Nếu không yêu thích nghề nghiệp mình đã chọn, các em sẽ thiếu động lực để học, dễ chán học, không trang bị kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp. Vì vậy, rất dễ thất nghiệp khi ra trường, tương lai u ám. Vì vậy, các em cần thận trọng khi chọn nghề. Không nhất thiết phải vào ĐH bằng mọi giá mà học những bậc học khác như CĐ, trung cấp, các em cũng có nhiều cơ hội, miễn là phải có kỹ năng nghề, kỹ năng sống, yêu thích công việc của mình”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Hình: 1: Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hướng dẫn thí sinh rút hồ sơ (ảnh chụp sáng 14-8)
Box: Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay ngoài những nguyên nhân khách quan thì cơ bản vẫn do thụ động, không tự trang bị kỹ năng nghề nghiệp hay định hướng nghề nghiệp kỹ cho bản thân.
Bình luận (0)