Toàn cảnh chương trình tập huấn |
Chương trình tập huấn “Kỹ năng xử lý tình huống tại hiện trường đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy” do Ban ATGT TP.HCM tổ chức trong hai ngày 13 và 14-8 với 143 tham dự viên là đội trưởng, đội phó PC 67, PC 68, thanh tra giao thông và công an các quận huyện. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm tại hiện trường đã được tháo gỡ một cách khéo léo và hợp lý hợp tình.
Nhiều tình huống gai góc
Trong đợt tập huấn này, hàng loạt khó khăn trong công tác xử lý vi phạm giao thông về đường bộ, đường thủy đã được các đơn vị trình bày và cùng các chuyên gia vào cuộc để tháo gỡ khúc mắc ở từng trường hợp cụ thể. Đối với các trường hợp vi phạm như cố tình không thừa nhận hành vi vi phạm, buông lời khiếm nhã với CSGT, không chịu ký biên bản vi phạm, đòi CSGT đưa ra bằng chứng vi phạm, tài xế ngồi lì và khóa cửa xe sau khi vi phạm, quay clip CSGT đòi thưa kiện vì cho rằng bị oan, tài xế chở container quá tải trọng đưa giấy xác nhận là người bị nhiễm HIV để hăm dọa, lái xe cố tình bỏ chạy khỏi hiện trường vi phạm; người vi phạm say xỉn cố tình không ký tên vào biên bản vi phạm và phiếu đo nồng độ cồn; thanh niên vi phạm lỗi vượt đèn đỏ nhưng “cãi chày cãi cối” rồi đòi CSGT đưa bằng chứng; người vi phạm buộc CSGT chứng minh hành vi vi phạm, lấy ĐTDĐ quay phim CGST và đòi thưa kiện, thậm chí tấn công CSGT; các phương tiện giao thông thủy sau khi bị lập biên bản vẫn không khắc phục các lỗi vi phạm như chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, xếp hàng hóa làm nghiêng lệch phương tiện, xếp hàng hóa trên nắp hầm hàng…, các chuyên gia đã đưa ra giải pháp chung là lực lượng chức năng và CSGT cần luôn trang bị những dụng cụ hỗ trợ thiết yếu (máy ghi hình, máy ghi âm, máy đo nồng độ cồn, xe nâng, xe kéo, tàu kéo…), biên bản xử lý vi phạm và phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương hỗ trợ để xử lý vi phạm một cách hiệu quả, để người vi phạm “tâm phục khẩu phục”. Qua đó, một số kiến nghị đã được đưa ra như gắn camera ghi hình để phạt nguội ở các ngã tư nhằm hỗ trợ xử lý các trường hợp vi phạm vượt đèn đỏ; CSGT cần ghi âm, ghi hình, ghi biển số xe để làm bằng chứng “không thể chối cãi” cho những trường hợp cố tình chạy khỏi hiện trường vi phạm, chuyên chở quá tải trọng…
“Hành trang” thiết yếu
Tham dự chương trình tập huấn với vai trò là chuyên gia tâm lý, GS.TS Vũ Gia Hiền đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những biểu hiện, hành động chống đối của người vi phạm đối với lực lượng thực thi công vụ tại hiện trường. GS. Hiền lưu ý: “Khi xử lý chúng ta phải hiểu tâm lý của đối tượng vi phạm Luật Giao thông để từ đó đưa ra những phán đoán, phương pháp xử lý phù hợp, nhằm đề phòng những hành vi nguy hiểm có thể gây những hậu quả khó lường”.
CSGT luôn trang bị công cụ hỗ trợ (máy đo nồng độ cồn) để thuận lợi trong việc xử lý vi phạm |
Theo GS. Hiền, trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm, thanh tra giao thông và CSGT cần giữ bình tĩnh, tự tin; lời nói rõ ràng mạch lạc; tránh nói trống không, bất cẩn. Một số điểm quan trọng nữa là CSGT cần kiên nhẫn, lắng nghe sự trình bày của đối tượng, qua đó giúp đối tượng giảm đi áp lực sợ để tránh từ sợ sang phản kháng, đồng thời phải dựa vào bằng chứng và người làm chứng, tránh dùng hành động dọa nạt, trấn áp, thiếu chứng cứ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần cảnh giác, chú ý đến những hành vi nguy hiểm của đối tượng vi phạm để có biện pháp phòng vệ đúng mức. Trong một số trường hợp cần thiết khi thi hành công vụ, CSGT cần liên kết và phối hợp với người dân, với đồng nghiệp và chính quyền địa phương để phối hợp giải quyết những vụ vi phạm có tính chất phức tạp. Ngoài ra, GS. Hiền cũng cảnh báo lực lượng chức năng cần cảnh giác những đối tượng phá bĩnh, chống đối chính quyền, ghi lén hình ảnh, quấy rối, tập trung huyên náo bạo động, bạo loạn…
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Làm sáng lên nhiều vấn đề Đánh giá về chương trình tập huấn, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM khẳng định: “Chương trình tập huấn đã đi đúng vào những kỹ năng xử lý tình huống, nhất là phạm trù tâm lý trong các ứng xử, xử lý vi phạm. Qua đó làm sáng lên nhiều vấn đề giúp cho các đồng chí trong các đơn vị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức hữu ích, làm hành trang cho chính mình và phổ biến cho đơn vị mình. Những ghi nhận từ chương trình tập huấn này, chúng tôi sẽ cô đọng thành cẩm nang để tuyên truyền cho các quận, huyện nhằm giúp cho việc thi hành công vụ của các đơn vị ngày càng tốt hơn”. |
Bình luận (0)