Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lạc lối chọn nghề: Do đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, một thành công của công tác hướng nghiệp là mang các trường ĐH, CĐ đến gần học sinh phổ thông hơn, giúp học sinh hiểu biết đầy đủ về ngôi trường mà sắp tới mình muốn vào học. Cùng với truyền thông, các trường phổ thông đã tư vấn về ngành nghề, cơ hội việc làm, môi trường học tập tương đối đầy đủ cho học sinh.

Thế nhưng, vì sao ngày càng có nhiều học sinh “lạc lối” trong việc chọn cho mình một tương lai sau trung học. Lạc lối ở đây chính là các em học sinh không biết chọn ngành học nào ở bậc sau THPT, không biết chọn trường nào phù hợp với khả năng học tập và tài chính, trường nào có thế mạnh riêng về nghiên cứu và thực hành? Học xong sẽ tham gia vào nguồn nhân lực ở khu vực nào? Nhà nước hay doanh nghiệp? Thành thị hay miền quê?… Đây là những câu hỏi khó mà không dễ gì trả lời cho những học sinh trung học. Những chuyên gia tư vấn hướng nghiệp mặc dù rất cố gắng để mang đến cho học sinh một cái nhìn bao quát, cho các em hình dung về nghề nghiệp tương lai sau này. Song, thực tế tư vấn viên không đi cùng học sinh suốt thời gian dài được, không thể hiểu hết tâm tư tình cảm, xuất thân hoàn cảnh gia đình của các em. Tư vấn viên chỉ có thể trả lời những thắc mắc tức thời tại một vài buổi tư vấn nào đó.

Tất cả các câu hỏi trên đây bắt buộc và tiên quyết phải có trách nhiệm tham gia của phụ huynh. Bởi không ai hiểu rõ hơn những bậc làm cha làm mẹ về con cái mình. Cái khó là làm sao để con mình có thể nói hết những điều trong lòng, làm thế nào để con xem cha mẹ là tư vấn viên đầu tiên khi cần lời giải đáp. Vẫn còn nhiều thiên kiến cho rằng cha mẹ áp đặt con cái và con cái vẫn thấy khoảng cách giữa tư vấn của cha mẹ với “mộng tưởng” về việc chọn ngành học cho nghề nghiệp tương lai.

Nút thắt có thể nằm ở đây. Một bên là mong muốn của gia đình muốn con mình đi theo ngành nghề dễ kiếm được việc làm, dễ kiếm tiền sau khi được tuyển dụng với một bên là khát khao dấn thân của tuổi trẻ, là đam mê lĩnh vực nào đó, là sự nhận định chưa đầy đủ và cũng có thể là nhầm lẫn khi quyết định chọn ngành nghề cho mai sau. Theo tôi là như vậy. Bởi lẽ, thông tin bây giờ không thiếu mà còn nhiều và quá nhiều là khác, chuyên gia tư vấn cũng rất nhiệt tình nhưng sau mỗi mùa tuyển sinh ĐH vẫn còn nhiều tâm sự của cha mẹ với việc phản kháng của con mình, và ngược lại là những lời tâm sự về việc cha mẹ “áp đặt”, “ép” con phải học ngành này, trường kia. Phải chăng, chuyên gia tư vấn và giáo viên bỏ quên một đối tượng cần phải được tư vấn trước hết là cha mẹ học sinh.

Nguyễn Minh Quân (TP.HCM)

Bình luận (0)