Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Sẽ là bước đột phá nếu Bộ GD-ĐT làm được

Tạp Chí Giáo Dục

Theo tôi, nội dung dự thảo đã thể hiện những đổi mới của giáo dục Việt Nam trên con đường hội nhập, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện, hài hòa giữa thể chất và tinh thần, chú trọng học đi đôi với hành, gắn lí thuyết với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội… Nếu Bộ GD-ĐT nói được và làm được thì đây là một bước đột phá để giáo dục Việt Nam tiếp cận với thế giới. Chương trình đề ra sẽ rút ngắn các môn học, thay vào đó là các môn tích hợp. Vì vậy giáo viên bộ môn cần chuẩn bị hành trang đầy đủ để đáp ứng yêu cầu đó. Trong những năm gần đây, tổ bộ môn đã triển khai dạy học theo chuyên đề, soạn giáo án và giảng dạy tích hợp ở một số tiết học song chỉ triển khai ở từng phân môn riêng. Điều này cơ bản giúp giáo viên và học sinh phần nào tiếp cận với tích hợp là gì? Tích hợp như thế nào để không cứng nhắc và gượng ép. Chẳng hạn, khi giảng về thông điệp nhân Ngày phòng chống HIV/AIDS (1-12-2003) của Cô-phi-An-na, giáo viên bộ môn văn sẽ tích hợp những kiến thức về dân số, về HIV/AIDS và cách phòng chống. Muốn làm được điều đó, giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng để có kiến thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan; tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, thiết kế các chủ đề tích hợp; đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng mở…

Việc trao quyền tự chủ cho học sinh giúp cho các em hứng thú với môn học mình yêu thích, giảm tải những kiến thức chuyên sâu không cần thiết, dành thời gian cho việc rèn luyện thể chất. Vì chúng ta đã tích hợp các môn học với nhau rồi nên chắc chắn sự học giữa các môn sẽ không bị chênh lệch và không có môn bị lãng quên. Chẳng hạn, môn lý, hóa và sinh tích hợp, khi đó học sinh sẽ được trang bị những kiến thức nền trong giờ học chính thức. Còn những em nào muốn chuyên sâu thì sẽ đăng kí học giờ tự chọn. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định giáo viên ứng với phân môn nào thì dạy phân môn đó. Đối với chuyên đề kiến thức liên phân môn thì các bộ môn sẽ ngồi lại với nhau để xây dựng và chọn giáo viên tốt nhất để triển khai. Đội ngũ giáo viên vẫn ổn định khi thực hiện chương trình mới. Về câu hỏi “liệu học sinh có chểnh mảng việc học khi được trao nhiều thời gian tự học”, theo tôi, có nhiều nguyên nhân, trong đó có ý thức của người học, người dạy.

Tóm lại, giáo viên chúng tôi luôn mong chờ sự đổi mới có hiệu quả từ Bộ GD-ĐT.

Nguyễn Thị Thu Thủy

(Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng)

Bình luận (0)