Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học hỏi từ sinh viên quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống nơi “đất khách quê người” không chỉ riêng du học sinh Việt Nam, mà ngược lại, các sinh viên quốc tế cũng hăng hái vừa học vừa làm thêm với một tinh thần đáng để học hỏi.

Không phụ thuộc vào gia đình

Theo Hồ Thị Minh Trang (du học sinh tại Pháp), sinh viên quốc tế có quan niệm rất hay về việc làm thêm, nhất là làm thêm vào các dịp hè hay kỳ nghỉ đông. Trang kể: Người bạn đến từ Rumani cùng chia nhà với tôi là điển hình của một sinh viên… ham làm thêm. Vì gia đình chỉ chu cấp tiền học phí nên cô bạn phải tự túc tiền sinh hoạt. Để có thể tồn tại, bạn đã xin làm bartender trong một quán bar kiểu Anh. Trong năm học, công việc này đòi hỏi bạn phải có mặt ở quán mỗi đêm và chỉ được về nhà khoảng 2 giờ sáng, để rồi 6 tiếng sau đó đã có mặt ở trường chuẩn bị cho tiết học đầu lúc 8 giờ. Bạn thậm chí còn không có ngày nghỉ cuối tuần vì sáng chủ nhật là thời điểm có nhiều suất chiếu trực tiếp rugby cũng là lúc quán đông khách nhất. Một lần tôi hỏi bạn tại sao không xin bố mẹ thêm một khoản tiền để đỡ phải vất vả làm thêm, bạn ấy nói rằng: “Việc bố mẹ cho tớ vài ngàn euros để đóng học phí là quá đủ để mang ơn họ nhiều rồi. Việc kiếm tiền để trang trải sinh hoạt hàng ngày là trách nhiệm của tớ”. Làm việc nhiều như vậy mà bạn vẫn luôn đứng đầu lớp và không hề vắng mặt trong những buổi học thực tế ở tòa án công lý, dù đó thường là những buổi học bắt đầu từ rất sớm. Hè chính là dịp bạn tập trung toàn bộ sức lực và thời gian để đi làm thêm, nhằm kiếm được một khoản tiền lớn để trang trải cho năm học kế tiếp. Bạn làm toàn thời gian trong suốt 2 tháng hè.

Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin về ngành học, trường học trước khi đăng ký du học

“So với sinh viên quốc tế, du học sinh Việt Nam còn quá phụ thuộc vào gia đình, nhất là với những gia đình khá giả. Trong khi những sinh viên nước ngoài coi chuyện làm thêm là việc đương nhiên, lên đường du học chỉ với một khoản tiền đủ để “trụ” lại đất nước sở tại một thời gian 1-2 năm và tin tưởng mình có thể tự kiếm việc làm thêm để sống tiếp những năm tháng còn lại, thì rất nhiều sinh viên Việt Nam lại thụ động, tìm mọi cách thắt chặt chi tiêu và chỉ đi làm khi trong túi không còn tiền”, Nguyễn Thị Mai Thy (sinh viên Trường Minerva Schools at KGI, Mỹ) nhận xét. Bản thân Mai Thy cũng từng rất chần chừ khi quyết định nên hay không nên đi làm thêm vì số tiền chu cấp của gia đình hàng tháng vẫn đủ để chi những khoản sinh hoạt hàng ngày cho đến khi vô tình va phải một người bạn Costa Rica. “Gia đình Bob (tên người bạn) kinh doanh vật liệu xây dựng có quy mô lớn. Điều này đồng nghĩa với việc Bob không hề thiếu tiền khi đi du học. Nhưng thay vì chỉ học và ngửa tay xin tiền hàng tháng, bạn ấy lại làm nhân viên khuân vác cho một công ty chuyên dọn nhà và nếu không nói thì chẳng ai nghĩ Bob là sinh viên vì sự chuyên nghiệp, cẩn thận của bạn khi làm việc. Bạn ấy nói gia đình không phải là ngân hàng, ai cũng đều phải lao động để kiếm ra tiền thì tại sao lại phải chờ chu cấp cho những khoản cá nhân. Và thực tế là không chỉ sống đủ, Bob còn để dành được tiền để mua những vật dụng, phương tiện mà nhiều du học sinh mơ ước”, Mai Thy kể.

Làm bất cứ việc gì, miễn là không vi phạm

Không chỉ chọn những công việc quen thuộc như chạy bàn ở quán cà phê, quán ăn hay trong các công ty tổ chức sự kiện…, sinh viên các nước sẵn sàng làm những công việc nhỏ nhặt với thái độ rất nghiêm túc. “Với họ, làm gì cũng được miễn là không vi phạm pháp luật và quy định của trường, bởi bất cứ công việc nào kiếm ra tiền cũng có giá trị. Một người bạn ở cùng nhà với tôi nhận đón trẻ lúc tan học, giữ trẻ cho một gia đình gần đó với mức 1 đô la/giờ. Một người bạn khác làm công việc giao báo vào mỗi sáng sớm, dù thời tiết có lúc lạnh 1-2 độ. Rất nhiều bạn bè cùng lớp với tôi không nề hà công việc gì để kiếm thu nhập trong khoảng thời gian trống như nhận giao thức ăn cho một cửa hàng bán đồ khuya, viết blog, làm nail hay thậm chí làm vệ sinh cho thú tại một trung tâm chăm sóc, nuôi gửi thú cưng. Thái độ nghiêm túc, tích cực của họ trong mỗi công việc làm thêm chính là điều mà các du học sinh Việt Nam cần học hỏi”, Vũ Tuấn Minh (sinh viên Trường ĐH McMaster, Canada) cho biết.

Bài, ảnh: Linh Vy

“Trong khi những sinh viên nước ngoài coi chuyện làm thêm là việc đương nhiên, thì rất nhiều sinh viên Việt Nam lại thụ động, tìm mọi cách thắt chặt chi tiêu và chỉ đi làm khi trong túi không còn tiền”, Nguyễn Thị Mai Thy (sinh viên Trường Minerva Schools at KGI, Mỹ) nhận xét.

 

Bình luận (0)