Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cầu vượt Thủ Đức đang “kêu cứu”!

Tạp Chí Giáo Dục

Cầu vượt thép Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội giáp giữa 2 quận 9 và Thủ Đức, nằm trên tuyến đường huyết mạch phía Đông, nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ và cả nước, giúp giải quyết tình trạng kẹt xe nghiêm trọng thường xuyên diễn ra tại cửa ngõ phía Đông thành phố. Tuy nhiên, tình trạng sụt lún, trồi nhựa nhiều lần gây không ít khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện xe ô tô và xe có tải trọng lớn.

2 năm: 3 lần trồi sụt

Cầu vượt Thủ Đức là cây cầu vượt thép đầu tiên trên địa bàn thành phố được xây dựng với tổng kinh phí là 277 tỉ đồng. Cầu được thiết kế với chiều dài 570m (phần cầu là 278m, còn lại là đường dẫn), mặt cầu rộng 16m, 4 làn xe. Đây là cầu vượt được thiết kế vĩnh cửu, các móng trụ được thi công bằng bê tông, cốt thép cho phép mọi loại ô tô có tải trọng tương đương 30 tấn lưu thông. Tuy nhiên, theo phản ánh của những tài xế lưu thông qua đây, mặt cầu vượt lại tiếp tục bị sụt lún và trồi nhựa, tạo thành bờ gập ghềnh khó đi, sát thành cầu lại lởm chởm đá, nên khi điều khiển xe, đặc biệt là xe đầu kéo tài xế phải căn đi vào đúng vệt lún để cân bằng, nếu không sẽ dễ bị chao đảo, mất lái gây tai nạn. Được biết đây là lần thứ 3 mặt cầu vượt bằng thép Thủ Đức bị hư hỏng. Trước đó, cuối tháng 3-2013, sau hai tháng khánh thành (2-1-2013), mặt cầu vượt thép Thủ Đức đã xảy ra trình trạng trồi nhựa, tạo rãnh sâu. Đến năm 2014, mặt cầu lại tiếp tục bị trồi nhựa. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan hữu quan đã cào bằng lớp nhựa bị trồi lún. Và đến nay, tình trạng sụt lún, trồi nhựa lại tiếp tục xảy ra.

Mặt cầu vượt thép Thủ Đức bị trồi nhựa gây khó khăn cho các phương tiện trong lưu thông

Đại diện Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2, Sở GTVT TP

.HCM) cho biết đơn vị đã có văn bản báo cáo Sở GTVT TP.HCM xác định hiện trạng của mặt cầu hiện nay là bị  trồi nhựa từ 1-3cm, phần hư hỏng nặng nhất là hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai, có thể gây nguy hiểm cho các loại ô tô lưu thông qua cầu. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, bên cạnh đó lưu lượng xe trọng tải nặng lưu thông liên tục, điều đáng nói nhiều xe tải nặng tập trung lưu thông làn bên phải (hướng từ TP đi Đồng Nai) khiến mặt cầu phải chịu sức nặng lớn. Để khắc phục tình trạng này, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết sẽ tiếp tục cho cào bằng phần bê tông nhựa bị trồi tạm thời đảm bảo an toàn lưu thông của các phương tiện. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu đưa ra phương án xử lý triệt để tình trạng này vào khoảng tháng 10 năm nay.

Sẽ xây thêm cầu vượt để giảm tải cho cầu vượt cũ

Cho rằng lưu lượng xe lưu thông quá lớn và tải trọng vượt mức cho phép khiến mặt bê tông bị trồi nhựa, tạo rãnh sâu gây mất ATGT cho các phương tiện lưu thông qua đây, do đó để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu với lưu lượng xe quá lớn như hiện nay, vừa qua Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã kiến nghị xây thêm cầu vượt song song với cầu vượt thép Thủ Đức hiện hữu, để tăng số làn xe từ 4 làn như hiện nay thành 8 làn xe nhằm đồng bộ với trục xa lộ Hà Nội và điều đặc biệt quan trọng là góp phần giảm tải cho cầu hiện hữu.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng mặt cầu bị sụt lún, trồi nhựa, nhiều ý kiến của người dân cho rằng cơ quan chức năng cần tránh dùng loại bê tông nhựa như cầu hiện hữu, mà nên sử dụng loại tốt hơn để không phải tốn công, tốn kinh phí sửa chữa nhiều lần như cầu vượt hiện hữu.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Nên sử dụng các loại bê tông nhựa cải tiến dành riêng cho cầu vượt

TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông nhận định, cầu vượt ở ngã tư Thủ Đức làm bằng dầm hộp nên lớp bê tông nhựa trên mặt cầu chịu sự rung động nhiều, dễ bị “mỏi” dẫn đến nứt dọc hoặc trồi nhựa. Chưa kể cầu có độ dốc cao buộc các phương tiện có trọng tải nặng phải lưu thông chậm và lại di chuyển tập trung ở làn bên phải nên càng làm gia tăng các yếu tố bất lợi dẫn đến hư hại mặt bê tông nhựa của cầu.

TS. Sanh lưu ý cầu vượt nước ta sử dụng bê tông thảm nhựa thông thường nên dễ bị hư hại, do đó  ông khuyến cáo nên sử dụng các loại bê tông nhựa cải tiến dành riêng cho cầu vượt theo kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã làm, vừa đảm bảo độ bền cho mặt cầu, vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua đây.

 

Bình luận (0)