Mỗi mùa tuyển sinh, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn TP.HCM tuyển khá nhiều học viên ở các tỉnh/thành khác. Bên cạnh niềm vui vì tuyển được học viên, các trung tâm cũng có những khó khăn không dễ giải quyết.
Gần 50% là học viên tỉnh
Theo nhiều giáo viên dạy ở các trung tâm GDTX, hệ GDTX có lợi thế là học theo ca (sáng, chiều, tối) nên học viên có thể sắp xếp thời gian theo điều kiện của gia đình hay công việc. Vì thế không ít học viên ở các tỉnh có hoàn cảnh khó khăn về thành phố vừa làm vừa học. Ông Lưu Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Tân Phú, cho biết: “Năm học này trung tâm tuyển được khoảng 750 học viên vào lớp 10, trong đó có hơn 50% học viên rớt lớp 10 công lập trong kỳ tuyển sinh vừa qua, số còn lại phần lớn là học viên ở tỉnh theo ba mẹ đến thành phố mưu sinh nhưng do không có hộ khẩu thường trú nên đăng ký học hệ GDTX, hoặc những người lớn tuổi muốn nâng cao kiến thức. Những người lớn tuổi đa số cũng ở các tỉnh về thành phố mưu sinh vài năm rồi mới đăng ký đi học”. Tương tự, năm học 2015-2016, Trung tâm GDTX Q.Gò Vấp tuyển gần 400 học viên, trong đó số học viên ở các tỉnh chiếm khá đông. “Học viên rớt lớp 10 công lập ở thành phố chiếm khoảng 40-50%, còn lại đa số là con em các gia đình nhập cư hoặc người lớn tuổi vừa làm vừa học”, ông Lê Ngọc Khái, Giám đốc trung tâm, cho hay.
Theo thống kê, năm học mới này Trung tâm GDTX Q.Bình Thạnh tuyển được nhiều học viên hơn so với các năm trước. Ông Giảng Văn Chải, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.Bình Thạnh, chia sẻ: “Năm nay trung tâm tuyển được 16 lớp, chia 3 ca sáng, chiều, tối; trong đó mỗi lớp khoảng 38 học viên. Riêng ca tối chủ yếu là học viên ở các tỉnh, chiếm khoảng 20% trong tổng số học viên trung tâm tuyển được”.
Nhiều học viên phải vừa làm vừa học nên việc tổ chức các phong trào ở các trung tâm GDTX gặp khó khăn |
Ngoài việc đăng ký học GDTX để có thời gian vừa làm vừa học, một số học viên ở các tỉnh đăng ký học GDTX để có điều kiện ôn thi THPT nhằm kiếm tấm vé vào ĐH. Nguyễn Thị Phương Trang (cựu học viên Trung tâm GDTX Q.10, vừa tốt nghiệp THPT năm 2015 với tổng điểm 3 môn toán, hóa, sinh là 21,75) cho biết: “Quê em ở một huyện nghèo của tỉnh Đồng Tháp. Năm lớp 11, ba mẹ gửi em lên TP.HCM học để có điều kiện luyện thi vào ĐH. Do không có hộ khẩu nên gia đình đăng ký cho em học ở Trung tâm GDTX Q.10. Quả thật, khi lên thành phố học tập, em có thêm nhiều thời gian hơn để ôn luyện nên điểm thi THPT vừa qua đạt khá cao”.
Khó tổ chức hoạt động phong trào
Phần lớn học viên ở tỉnh đều vừa làm vừa học nên các trung tâm GDTX gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc tổ chức những hoạt động phong trào.
Ông Giảng Văn Chải cho rằng việc tổ chức hoạt động phong trào chủ yếu là dành cho học viên các lớp buổi sáng, tức là những học viên đã rớt lớp 10 công lập vì các em không đi làm. Còn đối với những học viên vừa làm vừa học, mỗi năm trung tâm chỉ tổ chức được hai hoạt động chính là kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hoặc Tết”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lưu Thanh Tòng chia sẻ: “Việc giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trung tâm GDTX gặp muôn vàn khó khăn. Ngoài việc học viên phải đi làm, không có thời gian tham gia thì việc đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động này cũng là một điểm khó. Thí dụ như ở các trường THPT, mỗi năm nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nên trường còn đưa học sinh đến các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề… để hướng nghiệp. Còn ở trung tâm GDTX thì hầu hết gia đình đều khó khăn, đặc biệt là những gia đình nhập cư hoặc các học viên vừa làm vừa học thì việc tổ chức những chuyến tham quan như vậy rất khó”.
Bên cạnh đó, ông Lưu Thanh Tòng cũng phân tích thêm: “Nhiều gia đình đến thành phố mưu sinh đều khó khăn, ba mẹ lo bươn chải kiếm tiền nên không quan tâm đến tình hình học tập của con cái, vì thế việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường cũng gặp nhiều trở ngại…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)