Hiện nay, tại các trường học, vào giờ ra chơi nhiều học sinh (HS) hay vào thư viện đọc sách. Tuy nhiên, sách mà các em đọc thường không phải là sách khoa học, văn học, kỹ năng…
Một học sinh lớp 7 từng nói với tôi rằng em vào thư viện trường hay nhà sách chủ yếu là đọc Thần đồng đất Việt, Doreamon…, còn những quyển sách về văn học hay khoa học rất hiếm khi được em đụng tới. Vì vậy mà những quyển sách kinh điển có trong thư viện trường qua nhiều năm vẫn nằm yên một chỗ (trừ khi nhân viên sắp xếp lại) và còn mới tinh dù năm xuất bản là 1988, 1989 hay 1990 như Lều chõng của Ngô Tất Tố, Phố của những cửa hiệu u tối của Patrich Modiano… Cũng có số ít học sinh đọc về thể loại văn học, nhưng chủ yếu là các tác phẩm hiện đại như của Nguyễn Nhật Ánh, hay của các tác giả trẻ như Hamlet Trương, Anh Kháng… Đây là những tác giả viết không riêng cho giới trẻ đọc, tuy nhiên đã được nhiều em đón nhận vì mang hơi thở của giới trẻ và ngôn ngữ cũng được trẻ hóa.
Các giờ ra chơi nơi trường tôi công tác, và qua một số đồng nghiệp ở những trường tôi đến liên hệ công việc, thấy hầu như các em học sinh vào thư viện chỉ để đọc truyện tranh. Đa phần truyện tranh đưa vào nhà trường đều đã chọn lọc, thế nên đây được xem là “món ăn” giải trí nhẹ nhàng cho học sinh. Bởi truyện tranh gây cười nhẹ nhàng mà không đòi hỏi hiểu ý tứ tác giả qua con chữ. Song, nếu dừng lại ở truyện tranh thì thật sự là khiếm khuyết và lãng phí. Vì thư viện còn vô số bộ sách khoa học gây hứng khởi sáng tạo tìm tòi, những bộ sách về kiến thức toán học, bộ đề thi cùng nhiều sách kỹ năng thường thức trong cuộc sống rất bổ ích khác.
Để sau mỗi kỳ thi không còn ai ta thán về khả năng học thuộc văn mẫu, không còn những thí sinh là “công nhân trình độ cao”, có lẽ thầy cô giáo cần khuyến khích các em làm quen với việc tập đọc các tác phẩm văn học gần gũi có ở thư viện nhưng không có trong chương trình học và diễn tả cảm nghĩ, đánh giá riêng về tác phẩm đó. Đây là vấn đề rất có ý nghĩa và cấp thiết.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều giáo viên không biết trên kệ sách thư viện có những sách gì, vì vậy lại càng thiếu cơ sở định hướng, giới thiệu cho học sinh.
Minh Quân (TP.HCM)
Bình luận (0)