Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 của nhân dân Việt Nam đã giành lại những giá trị nhân văn tốt đẹp cho nhân dân – từ những quyền cơ bản nhất của dân tộc là Độc lập, của con người là Tự do cho tới những quyền cụ thể khác, để mỗi người đều có thể mưu cầu hạnh phúc cho mình trong sự tiến bộ chung của xã hội.
Tạo nên sự khác biệt về chất của lịch sử
Chủ nghĩa thực dân như một vết nhơ trong lịch sử và văn hóa nhân loại. Hồ Chí Minh đã mang hết tinh thần và sức lực, cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh để xóa đi vết nhơ đó. Tất cả những chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược, mọi hành động của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật đều nhằm thực hiện khát vọng cháy bỏng nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam – độc lập dân tộc. Đây là điều hợp với lòng dân, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân nên Đảng đã có thể tập hợp được lực lượng đoàn kết toàn dân. Đó chính là cội nguồn đưa Cách mạng tháng Tám 1945 đến thành công trọn vẹn, nhanh chóng và ít đổ máu.
Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp – Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân tiến hành và vì lợi ích của nhân dân, để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, đem lại quyền làm người cho mỗi người dân Việt. Mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là tự do, hạnh phúc cho nhân dân, là giải phóng con người. Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã làm nên sự khác biệt căn bản về chất của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc: Thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng của dân tộc. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã khẳng định quyền thiêng liêng của dân tộc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Từ tháng Tám năm 1945, điều đó đã trở thành hiện thực lịch sử.
Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không chỉ giành lại quyền độc lập cho dân tộc mà còn là một cuộc cách mạng dân chủ của nhân dân. Hơn thế nữa, theo GS Trần Văn Giàu – cũng là một chứng nhân lịch sử của giai đoạn đấu tranh giành độc lập: “Có một đặc điểm lớn, một thành tựu lớn của Cách mạng tháng Tám trong sự hoàn thành nhiệm vụ cơ bản, mà hôm mồng 2 tháng 9 Cụ Hồ không nói, không nói vì chưa cần nói, nhưng người nghiên cứu lịch sử về sau phải phát hiện càng đúng càng hay, là phong trào giải phóng dân tộc thực tế còn đi xa hơn việc thành lập cộng hòa thay cho quân chủ: chế độ mới được dựng lên là chính quyền nhân dân, là dân chủ nhân dân”.
Trích “những lẽ phải không ai chối cãi được” trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc cách mạng Pháp (1789), bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam khẳng định: Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng mang lại quyền con người. Cũng từ “những lẽ phải không ai chối cãi được” đó, “suy rộng ra”: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cuộc cách mạng cũng là sự xác lập lần đầu tiên ở Việt Nam một nền dân chủ bằng sự lựa chọn thể chế nhà nước sau cuộc cách mạng – thể chế Dân chủ cộng hòa – một thành tựu phổ quát của nền chính trị nhân loại. Thể chế cộng hòa do nhân dân Việt Nam tự mình xây dựng và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ.
Đoạn tuyệt với quá khứ nô lệ của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho cả dân tộc Việt Nam đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập quyết tâm xây dựng xã hội mới của nhân dân Việt Nam: “… Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” … “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Khởi đầu một cuộc trung hưng mới
Với nhân dân Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 đánh dấu kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập – chấm dứt ách nô lệ thực dân và Tự do – chấm dứt chế độ phong kiến.
Với nhân loại, bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam là tiếng chuông báo sự khởi đầu tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng là thắng lợi của các dân tộc bị xiềng xích, áp bức trên thế giới.
Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đưa dân tộc Việt Nam lên một con đường trung hưng mới. Sau cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, ngày 6/1/1946, Chính phủ cách mạng lâm thời đã trở thành Chính phủ hợp hiến, do dân bầu, bao gồm nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam.
Chính phủ cách mạng thu hút được sự ủng hộ của toàn dân, được toàn dân bảo vệ vì nó hợp với lòng dân. Bộ máy chính quyền mới đã trực tiếp mang lại những quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền mà nhân dân Việt Nam chưa từng được hưởng: Bãi bỏ thuế thân (ngày 7/9/1945); bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải trả tiền (ngày 8/9/1945); qui định thể lệ Tổng tuyển cử (ngày 17/10/1945); giảm tô 25% (ngày 20/11/1945); giảm 20% thuế điền (ngày 20/11/1945) v.v… Những cải cách hợp lòng dân của Chính phủ cách mạng đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Chính quyền cách mạng được nhân dân bảo vệ trước những sự tấn công khốc liệt của kẻ thù. Ông Caput (Bí thư Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ) trong thư gửi Cao ủy D’ Agienlieu ngày 8/12/1945 đã thừa nhận rằng: Chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh và Việt Minh là có đủ tư cách đại diện cho dân tộc Việt Nam, “họ vẫn là những người có khả năng hơn cả để lôi cuốn được mọi người”.
Cách mạng tháng Tám 1945 là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của nhân dân Việt Nam. Nước Việt Nam từ chỗ chưa có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc, là tấm gương cổ vũ các dân tộc còn đang bị áp bức vùng lên làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.
Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã giành lại những giá trị nhân văn cho nhân dân Việt Nam khi nó đã đập tan chế độ thực dân – phong kiến nô dịch, áp bức nhân dân và khẳng định mục tiêu tạo dựng một môi trường xã hội tốt đẹp hơn cho con người, trong đó con người và những giá trị của con người được tôn trọng và bảo vệ, hướng tới tương lai con người được sống trong hòa bình và có đầy đủ những cơ hội để phát triển.
Bình luận (0)