Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhóm ngành kinh tế chưa hạ nhiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ tuyển sinh năm nay, điểm chuẩn của nhóm ngành kinh tế ở nhiều trường ĐH dự kiến tăng mạnh. Ngoài lý do đề thi dễ hơn năm trước thì việc nhóm ngành này vẫn tiếp tục thu hút thí sinh là yếu tố để điểm chuẩn tăng.

Điểm chuẩn liên tục tăng

Tại TP.HCM, nhiều trường thuộc tốp trên như ĐH Ngoại thương (cơ sở 2), ĐH Kinh tế, ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM)… điểm chuẩn các ngành đào tạo những năm gần đây đều tăng. Cụ thể, từ 2012 đến 2014, điểm chuẩn khối A và A1 của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tăng mỗi năm 1 điểm: Năm 2012 điểm chuẩn lấy 19, năm 2013 lấy 20 và năm 2014 lấy 21. Riêng năm 2015, điểm trúng tuyển của hầu hết các ngành (trừ ngành tiếng Anh thương mại) là 23,25; trong đó trường áp dụng thêm tiêu chí phụ là môn toán phải từ 7 điểm trở lên (tăng 2,25 điểm so với năm trước).

Tương tự, năm nay điểm chuẩn các ngành đào tạo của Trường ĐH Kinh tế – Luật cũng tăng hơn so với năm 2014. Theo đó, ngành kinh tế đối ngoại lấy 25,5 điểm (tăng 3,5 điểm), kinh tế quản lý công lấy 22 điểm (tăng 4 điểm), kinh doanh quốc tế lấy 24,5 điểm (tăng 6,25 điểm), marketing lấy 23 điểm (tăng 5 điểm). Trong khi đó tại Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2), từ 2012 đến 2014, hầu hết các ngành đào tạo như kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh quốc tế, tài chính quốc tế đều lấy điểm chuẩn là 24. Riêng năm nay, điểm chuẩn mà trường đưa ra tăng mạnh so với các năm trước. Cụ thể, năm nay hầu hết các ngành khối A đều lấy 25 điểm trở lên; riêng ngành kinh tế có điểm chuẩn cao nhất trong tổ hợp môn toán, lý, hóa là 27.

Học sinh lớp 12 tìm hiểu về ngành nghề tại chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức năm 2015

Lý giải vì sao nhóm ngành kinh tế chưa bao giờ hạ nhiệt dù nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây có nhiều biến động, ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng: “Đây là nhóm ngành được nhiều học sinh yêu thích. Hơn nữa, nhóm ngành kinh tế vẫn đang chiếm một tỷ trọng cao trong nhu cầu nhân lực của thành phố (chiếm 33% tổng nhu cầu). Đồng thời, đây cũng là thời kỳ hội nhập, đặc biệt là khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN thì nhóm ngành này chiếm ưu thế, nhất là những chuyên ngành như buôn bán lẻ, kinh tế vận tải, marketing… Nhu cầu nhân lực cao nhưng nếu chỉ yêu thích về hình thức, không tìm hiểu thực chất bên trong của ngành thì sẽ khó có việc làm”.

Ông Trần Anh Tuấn lưu ý thêm: “Xu hướng phát triển kinh tế nước ta mạnh về doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư của nước ngoài… nên đòi hỏi người lao động phải có nhiều kỹ năng, đặc biệt là tính linh hoạt, tiếp thị, giỏi ngoại ngữ”.

Ngành tài chính – ngân hàng liệu có phục hồi?

Trong 3 năm gần đây, ngành tài chính – ngân hàng có nhiều biến động nhưng điểm chuẩn của ngành này vẫn tăng nhẹ. Vậy cơ hội việc làm sau vài năm nữa của ngành này như thế nào? Ông Trần Anh Tuấn dự báo: “Ngành tài chính – ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, sáp nhập để tạo nguồn nhân lực mạnh về chất lượng nhằm chuẩn bị đón đầu hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ngành này sẽ tiếp tục giảm những nhân lực không phù hợp và tăng cường nhân lực chất lượng cao. Điều này đòi hỏi sinh viên học ngành này phải chịu khó trang bị những kỹ năng khác, đặc biệt là kỹ năng pháp luật, công nghệ thông tin… Ngoài ra, ngành này cũng đang đòi hỏi rất cao về đạo đức nghề nghiệp”.

Được biết, năm 2013, điểm chuẩn ngành tài chính – ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM là 17,5; năm 2014 là 18,5. Riêng năm 2015, điểm chuẩn của ngành này là 21,75. Còn tại Trường ĐH Kinh tế – Luật, trong khi điểm chuẩn của hầu hết các ngành đều tăng mạnh (4-6 điểm) thì ngành tài chính – ngân hàng (tổ hợp môn toán, lý, hóa) chỉ tăng 2,25 – tức là năm 2014 lấy 19,75 điểm, còn năm nay lấy 22 điểm. Tương tự, điểm chuẩn ngành này ở Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng tăng: Năm 2013 lấy 17, năm 2014 lấy 19 điểm và năm 2015 lấy 21,75 điểm.

Bài, ảnh: Minh Châu

“Nhu cầu nhân lực cao nhưng nếu chỉ yêu thích về hình thức, không tìm hiểu thực chất bên trong của ngành thì sẽ khó có việc làm”, ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết.

 

Bình luận (0)