Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Bộ xương máy giúp người liệt đi lại bằng ý nghĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc và Đức đang phát triển một bộ xương máy giúp những người liệt có thể đi lại hoặc cầm nắm đồ vật, bằng cách dùng ý nghĩ ra lệnh.

Bộ xương máy đeo quanh hông và chân người đàn ông trong clip là một phần của công nghệ mới do các nhà nghiên cứu Đức và Hàn Quốc phát triển. Phần còn lại là chiếc mũ gắn điện cực, có tác dụng kết nối não và bộ xương máy.

Người trong thử nghiệm trên không bị liệt, có thể đi đứng bình thường. Nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng, bộ xương này sẽ giúp những người bị liệt do tủy sống tổn thương, hay mắc bệnh thoái hóa thần kinh đi lại được.

Theo Live Science, từ lâu các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát minh nhiều thiết bị điểu khiển bằng ý nghĩ. Năm 2011, một phụ nữ mất khả năng đi lại do đột quỵ đã nhấc được cốc khi được lắp đặt cánh tay robot điều khiển bằng ý nghĩ. Năm 2012, một phụ nữ khác bị liệt tứ chi do thoái hóa dây sống tiểu não có thể đập tay ăn mừng và cầm ăn một miếng sôcôla khi sử dụng thiết bị tương tự.

Tuy nhiên, để điều khiển được, bác sĩ phẫu thuật phải cấy vào não bệnh nhân những thiết bị điện tử rất nhỏ. Các thiết bị điện tử này được kết nối với dây bên ngoài, cho phép bệnh nhân điều khiển cánh tay người máy thông qua các xung điện phát ra từ não của họ.

Trong khi đó, bộ xương máy không cần dùng đến phẫu thuật não cấy điện cực xâm lấn. Bệnh nhân chỉ cần đội một chiếc mũ có gắn điện cực EEG. Nó sẽ nhận tín hiệu não riêng – được tạo ra nhờ kỹ thuật SSVEP (tín hiệu phản hồi với những kích thích thị giác ở tần số nhất định, qua đó tạo ra tín hiệu điện não đồ EEG).

Trên khung xương có một bộ điều khiển nhỏ gắn đèn LED. Nó sẽ sáng lên theo nhiều cách khác nhau, tùy vào lệnh cho khung xương đứng lên, ngồi xuống, tiến lên, rẽ trái hay rẽ phải.

Người mặc khung xương sẽ nhìn vào đèn tương ứng với lệnh, như lệnh tiến một bước. Não sẽ phát ra tín hiệu điện phản ứng với ánh đèn nhìn thấy. Mũ điện cực tiếp nhận tín hiệu và truyền đến một máy tính thông qua kết nối không dây. Máy tính sẽ chuyển tín hiệu thành lệnh tương ứng, rồi chuyển lệnh đó đến bộ xương máy. Trong vài giây, bộ xương sẽ tiến lên một bước.

Theo Klaus Müller, giảng viên Khoa học máy tính trường Đại học Kỹ thuật ở Berlin, Đức, công nghệ này "thiết thực và dễ điều khiển." Ông là tác giả chính của bài báo giới thiệu về bộ xương máy tính.

Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn nhiều bất cập. Müller thừa nhận, việc nhìn chằm chằm vào đèn LED nhấp nháy trên giao diện trong thời gian dài khiến ông đau đầu, và ông hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ tạo ra một hệ thống tương tự đỡ gây “mỏi mắt” hơn trong tương lai.

Một trở ngại nữa đối với việc phát triển bộ xương máy là chi phí. Theo Müller, để tới tay bệnh nhân, các nhà nghiên cứu phải tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng tốn kém. Ngoài ra, bệnh nhân phải tự trả tiền cho bộ xương bởi lẽ, khó mà kêu gọi các công ty bảo hiểm chi trả cho công nghệ mới này.

Ngọc Anh (theo vnexpress)

 

Bình luận (0)