Một góc chợ Long Biên, Hà Nội |
Những ngày tháng 8, Hà Nội nắng vẫn rát mặt. Chạy xe qua cầu Long Biên cũ rích bên bờ sông Hồng, chợ đầu mối Long Biên nằm ven mép sông Hồng, nhìn từ cầu Long Biên xuống trông hỗn loạn, nhếch nhác và bừa bộn như một cuộc vui vừa tàn. Cái mùi Kẻ Chợ xộc lên tận mũi, lưu cữu và cũ kỹ. Có cái gì đó, là sự sống cứ ẩn nấp, lẩn khuất quanh những bừa bộn đó. Hơn thế nữa, ở đó, còn tồn tại giá trị về văn hóa, tinh thần của cái nôi Kẻ Chợ.
Khi người ta công bố danh sách những khu chợ đầu mối nằm trong diện phải di dời, xóa bỏ – trong đó có chợ Long Biên, cảm giác như bị tổn thương và mất mát. Dù gì thì gì, khu chợ sáng đèn về đêm ấy đã từ lâu là một nét văn hóa trong lòng Hà Nội. Đó là chưa kể đến việc nó đã gắn bó, tạo nên đời sống của biết bao kiếp người.
1. Chợ Long Biên vốn được coi là khu chợ đầu mối nông sản lớn nhất Hà Nội. Hàng đêm, những chiếc xe tải lớn nhỏ chở rau, củ quả từ khắp các tỉnh phía Bắc, Trung và cả phía Nam lũ lượt đổ về chợ. Rập rình, ồn ã và đông vui. Cửa ngõ vào chợ như một chiếc cổng làng chỉ đủ vừa cho một chiếc xe tải hạng trung lọt qua, đoàn xe xếp hàng bên ngoài con đường gốm sứ chờ đến lượt dài dằng dặc. Người bốc xếp hàng thuê, người mua hàng, người gom hàng… rồi xe ôm, xích lô, rồi hàng ăn hàng uống… tạo nên khung cảnh chợ ầm ĩ, huyên náo nhưng ngăn nắp.
Bản hòa âm “điên rồ” ấy cứ thế kéo dài cho đến khi mặt trời ló dạng. Bất kể thế nào, chỉ cần phía đằng Đông đỏ mờ lờn nhờn báo hiệu ngày mới là mọi thứ lại đâu vào đấy, bình bình, chầm chậm. Như kiểu tàn cuộc chơi, ai lại về nhà nấy.
Cả một khu chợ ban đêm tràn màu xanh rau củ, tưới tắm và làm dịu đi cái không khí oi nồng, sực nức mùi Kẻ Chợ. Làm dịu đi cái chớt chát bán buôn toan tính. Và cả những phận người lam lũ.
Chả thế mà sức hút của chợ Long Biên đã khiến cho nó, vào tháng 11-2014 vừa qua được tạp chí du lịch hàng đầu nước Anh – Conde Nast Traveler bình chọn là một trong 7 chợ trời hấp dẫn nhất thế giới. Đất Kẻ Chợ bên bờ sông Hồng ấy còn được đánh giá là một địa chỉ du lịch 5 sao đáng phải tham quan khi bước chân đến Hà Nội trên trang web đánh giá du lịch hàng đầu thế giới Triadvisor. “Một chuyến đi đến chợ Long Biên ồn ào đó là cách mê đắm nhất tiếp cận Hà Nội”, trang web này bình luận.
2.Hỏi những con người bán buôn nơi Kẻ Chợ rằng, nếu một ngày kia không còn chợ này nữa thì sẽ phải làm sao? Sẽ thất nghiệp, sẽ chuyển nghề khác. Mà nghề nào? Xe ôm, xích lô, làm mẹt rau củ đi rong hay có tiền mở một ki-ốt bán hàng nông sản, về quê làm ruộng? Không biết. Nhưng cứ thử làm một phép tính nhẩm rằng, hàng trăm hàng ngàn con người đang nhễ nhại trong bóng đêm vàng vọt của ánh đèn neon kia, nếu dẹp chợ, nếu giải tán chợ thì họ sẽ phải neo vào đâu để kiếm miếng ăn. Hay rằng trời sinh, trời dưỡng?
Những ngày ở Hà Nội, tôi có dịp trò chuyện với nhiều phận người bán buôn dạo. Đó là các mẹ, các chị bỏ quê lên phố, ngoài đôi bàn tay trắng chỉ có đôi quang gánh, đôi sọt làm cần câu cơm. Hàng đêm, các mẹ các chị sẽ quầy quả lên chợ Long Biên, nhặt nhạnh mỗi thứ rau quả một chút cho đầy mẹt, đầy sọt. Phải lấy sớm mới được giá, rau quả mới ngon rồi sáng ra lại kẽo kẹt gánh hàng, vẹo mông chở hàng đi rong phố. Chỉ có như thế, các mẹ các chị mới dư dả ra chút đỉnh gửi về quê nuôi con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học cho bằng bạn bằng bè.
Là những bà những cô hàng đã ngoài sáu mươi tuổi vẫn oằn lưng mỗi đêm bên những chiếc xe đẩy cao quá đầu người đi khắp chợ chỉ để thu về chục đồng bạc lẻ. Là những gia đình, cả hai vợ chồng cùng bỏ quê ra phố hàng đêm làm cửu vạn vác những bao hàng nặng bốn năm chục ký từ xe tải xuống để ky cóp từng đồng nuôi con. Đời sống ở quê nhà còn khó khăn quá, dù đã bán sớm bán khuya đồng tiền kiếm được vẫn là mù mịt. Nên phải bỏ quê ra phố. “Thời của khó người khôn, nghề lương thiện nào cũng làm, miễn là có tiền” – anh Hùng, chồng chị Thương vừa đẩy xe vừa chia sẻ.
Các tiểu thương ở chợ Long Biên |
Trong cái oi nồng Hà Nội đêm tháng 8, anh Hùng xoay trần quanh chiếc xe tải chở dưa hấu từ tít mạn Long An ra, bốc hàng sọt, hàng sọt xếp chồng lên chiếc xe đẩy để hai vợ chồng đẩy đến từng ki-ốt cho tiểu thương. Anh kể, mỗi đêm thế này, tùy vào đợt hàng nhiều hay ít anh có thể kiếm được trên 300 ngàn đồng. Còn chị Thương chỉ đẩy xe thì chỉ kiếm được khoảng hơn 200 ngàn đồng. Hai vợ chồng trừ tất cả các khoản chi phí nhà trọ, sinh hoạt, mỗi tháng cũng dư ra vài ba triệu gửi về quê cho ông bà nội nuôi ba đứa con nhỏ đang ăn học.
Vợ chồng anh chị bỏ quê lúa Thái Bình ra Hà Nội bám lấy cái chợ trời này cũng ngót chục năm rồi. Tính đến nay, mỗi người cũng đã gần nửa đời người, mỗi năm, ngoài dịp lễ tết chỉ đôi lần về quê thăm con bởi “còn phải tranh thủ làm ăn”. Quê nhà thế nên cứ ngút ngát bởi gánh nặng áo cơm đời sống.
3.Nói thế nào đi chăng nữa, dù là hiện đại hay cũ kỹ, không nhất thiết cứ phải thật rạch ròi. Tôi thì cứ tin rằng, chợ Long Biên nó đại diện cho một đời sống tinh thần, một đời sống vật chất của đất Kẻ Chợ mà không gì có thể thay thế được. Ở đất Kẻ Chợ ven sông Hồng, cùng với nhịp chảy của con sông, bao nhiêu đời nay, đời sống ấy vẫn cứ diễn ra, thường nhật, không đứt quãng. Hàng đêm, những gia đình quanh chợ không vì cái ồn ã, huyên náo, không vì cái mùi nhếch nhác, nồng nàn mà thức giấc nửa đêm. Có chăng, người ta sẽ giật mình nếu bữa nào chợ im ắng quá. Mà cũng có thể, vào những đêm trằn trọc tuổi già, ông lão nào đó kê ghế ra ban công ngồi nhìn xuống khu chợ lại thấy tuổi già sao đáng sống, thấy sao Hà Nội của mình, đi đến gần hết cuộc đời vẫn đẹp đến lạ lùng.
Chợ Long Biên – nó không chỉ đơn thuần là chợ, mà trên hết, nó là chỗ đi về nương náu của ký ức, của văn hóa, của những lộn xộn vật chất, tạo dựng nên đời sống của biết bao nhiêu kiếp người bản địa và tha hương.
Dường như cố tình, chợ Long Biên nằm dưới chân cầu Long Biên lịch sử, đặt bên bờ sông Hồng thao thiết chảy, phải chăng để người ta nhìn về Hà Nội bình dị và đời thường. Và cũng phải chăng, những giá trị truyền thống đặt cạnh nhau sẽ tạo nên những mảng ký ức huyền hoặc, một phần nào đó hiện hữu nên đời sống tinh thần của đất Kẻ Chợ.
Yến Hoa
Bình luận (0)