Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ông giáo kiên tâm gắn bó với trò nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Nguyễn Thanh Hải với học trò ở trung tâm. Ảnh chụp ngày 17-8-2015

Đương thời, thầy Nguyễn Thanh Hải là một thầy giáo hiền, một người Hiệu trưởng tận tâm và nhân ái. Về hưu, thầy lại gắn bó cuộc đời mình với Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phường Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) để tiếp tục chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Khi nhắc lại chuyện xưa cũ, ông giáo 73 tuổi lại bồi hồi, xúc động tựa như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.

Khởi đầu nghề giáo, thầy Nguyễn Thanh Hải là giáo viên dạy toán kinh tế cho Trường Kỹ thuật  Gia Định từ năm 1973. Sau giải phóng, thầy chuyển về công tác tại Trường cấp 1-2 Thạnh Lộc. Ngôi trường này lúc ấy mới có 4 phòng học đơn sơ. Không đủ lớp cho những HS ham học ở các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông, Nhị Bình, Tân Thới Hiệp, thầy đã tham mưu làm thêm 8 phòng học nữa. Vì không có kinh phí, nên các anh em trong trường đã cùng nhau lên tận Dầu Giây (Đồng Nai) để đốn tre nứa rồi bỏ lên mui tàu lửa Thống Nhất chuyển về Ga Gò Vấp, rồi lại dùng xe bò chuyển tre nứa về Thạnh Lộc. Còn lá dừa lợp mái thì phải đốn trong chiến khu An Phú Đông, sau đó chờ con nước ròng thả cho nó trôi về… Thạnh Lộc. Các nguyên liệu đó cùng với những bàn tay cần mẫn đã làm nên các phòng học tranh nứa mái lá, tường đất trộn rơm. Vậy mà ngôi trường ấy đã đón nhiều HS đến lớp để học chữ.

Hiệu trưởng… đi bộ

Trong 16 năm (1987-2003) thầy Hải được tín nhiệm bầu chọn làm Hiệu trưởng ở các trường cấp 1-2 Phú Xuân (1987), Trường cấp 1-2 Thạnh Lộc (1988), Trường TH Nguyễn Văn Thệ (1995); thầy sáng lập và làm Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Xuân (1999-2000) và sau đó làm Hiệu trưởng Trường TH Lương Thế Vinh cho đến khi về hưu vào năm 2003. Cũng từ đó, thầy gắn bó với TTHTCĐ phường Thạnh Lộc cho đến nay với chức vụ Phó giám đốc trung tâm; và cũng là thầy giáo mỗi khi trung tâm thiếu giáo viên đứng lớp.

Người dân biết đến thầy với hình ảnh người Hiệu trưởng tận tụy, nhưng lại trân quý thầy hơn khi chứng kiến cảnh “ông Hiệu trưởng kiên trì đi bộ hàng cây số trong 8-9 tháng trời”. Đó là chuyện xảy ra vào năm 1992, khi đang là Hiệu trưởng của Trường cấp 1-2 Thạnh Lộc, sau khi họp xong, lúc lấy xe ra về thì thầy bỗng chẳng thấy chiếc xe đạp cà tàng của mình đâu. Vài ngày sau, biết người lấy xe mình, nhưng thầy không đòi, cũng không buồn, không giận vì biết rằng đứa học trò đã dùng chiếc xe đạp của mình để chở đồ thuê. Không có tiền mua xe mới, nên những ngày sau đó thầy phải đi làm bằng xe lam, nhưng được một vài chuyến chủ xe “phát hiện” là thầy giáo Hải nên họ không lấy tiền. Lo ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà xe, thầy đã chọn giải pháp đi bộ hàng cây số từ Thạnh Lộc đến Phòng Giáo dục huyện Hóc Môn để dự họp hàng tuần, hàng tháng trong gần 9 tháng trời, khiến người dân chú ý và không khỏi thắc mắc: “Sao thầy Hiệu trưởng mà lại đi bộ thế này?”. Đồng nghiệp khi chứng kiến tình cảnh ấy, xót lòng và đề nghị cho thầy đi quá giang, nhưng rồi thầy cũng không dám phiền vì ngại “đồng nghiệp chở mình thì cũng phải tốn sức và mòn vỏ xe của họ”. Thương cho hoàn cảnh của thầy, nên Công đoàn Giáo dục huyện Hóc Môn đã tặng cho thầy chiếc xe đạp mới. 10 năm sau, người học trò mới thú nhận với thầy là đã trót lấy xe của thầy vì hoàn cảnh gia đình lúc đó quá túng quẫn. Người học trò cũ đã nhận lỗi và xin trả cho thầy chiếc xe mới. Đáp lại tấm lòng thành của người học trò năm xưa là lời phân bua tâm tình: “Thầy đã quên chuyện đó rồi em” và dứt khoát không nhận chiếc xe “chuộc lỗi” ấy.

3 đời là HS của thầy Hải

Xưa là thầy giáo của học trò, sau đó lại dạy con và cháu của học trò nữa. Thầy Hải kể khi thầy còn đương chức Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Thệ (huyện Hóc Môn, TP.HCM) vào năm 1995, người học trò của lớp học đầu tiên tại Trường cấp 1-2 Thạnh Lộc là bà Lê Thị Kim Huê đã đến trường để xin cho cháu ngoại vào học, nhưng lại ngại không dám vô, cứ đứng lấp ló ở ngoài cửa. Đến khi được thầy giáo cũ gọi vào, bà mới thỏ thẻ mở lời: “Bây giờ em làm bà ngoại rồi thầy ơi, đứa cháu ngoại em nó làm biếng học lắm, xin thầy nhận vào và rèn giũa nó học hành nên người”.

Thầy kể với tôi rằng, trường hợp của bà Huê không phải là trường hợp cá biệt, vì còn rất nhiều học trò đã là ông ngoại, ông nội, bà nội đến tìm thầy giáo cũ để xin cho cháu theo học rất đông, với đủ các lý do: Vì cháu con nó biếng học, nó không ngoan, nhà nó có mỗi một đứa nên xin thầy thương giúp… Không chỉ tin tưởng thầy giáo cũ, mà tấm lòng chân thành của những người học trò nay đã con đàn cháu đống vẫn luôn hướng về thầy và nhớ tới thầy mỗi khi nhà có đám giỗ, khi nhà có buồng chuối chín cây, có mớ rau ngon cũng đem đến biếu thầy.

Cho đời nhiều hoa thơm trái ngọt

So với các TTHTCĐ trên địa bàn thành phố, thì TTHTCĐ phường Thạnh Lộc được cho là hoạt động có hiệu quả, góp phần đáng kể vào công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần nâng cao dân trí địa phương. Thầy Hải cho biết trung tâm ban đầu chỉ có HS cấp 3, từ 2003-2008, trung tâm đã tích cực dạy phổ cập tú tài cho dân quân và công nhân viên ở các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (Q.12). Riêng ở cấp TH và THCS mới thực hiện được 6 năm qua, dành cho con em của lao động di cư ở các tỉnh đổ về. Cái hay ở trung tâm này là các em HS được thi tốt nghiệp ở các trường công và được nhận bằng chính quy. Chẳng hạn ở bậc TH thì HS được vào thi ở Trường TH Hà Huy Giáp, bậc THCS vào thi ở THCS Lương Thế Vinh và thi tốt nghiệp THPT ở TTGDTX. Tính đến thời điểm này, nhiều HS của trung tâm đã tốt nghiệp ĐH-CĐ, trung cấp nghề, đã có việc làm và cuộc sống ổn định, thậm chí thành đạt như em Cảnh là chủ một garage, em Nguyễn Hồ Ngọc đã tốt nghiệp ĐH và được lên ti vi, em Nguyễn Hữu Toàn là HS giỏi của trung tâm… Trước đây Toàn phải bỏ học giữa chừng vì gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất để chữa bệnh cho cha. Cho đến khi cha qua đời, mẹ con em đã rời quê Thanh Hóa vào TP.HCM làm đủ nghề để kiếm tiền trả nợ. Do đó được theo học ở trung tâm với Toàn là điều may mắn. Trong nhiều năm qua em đều đạt HS giỏi, công tác Đoàn tốt và được Quận đoàn Q.12 khen. Không chỉ lo cho HS ở trung tâm, trong giai đoạn 2004-2012, thầy Hải còn dạy chữ braille cho các em khiếm thị và vận động nhiều giáo viên dạy vi tính, dạy đàn tân nhạc, cổ nhạc cho các em. Tính đến nay đã có 30 em khiếm thị tốt nghiệp THPT, trong đó có 10 em đang theo  học trường cao đẳng chuyên biệt.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao dân trí, thầy Hải còn chủ động phối hợp với Hội Khuyến nông địa phương tổ chức các khóa học về nuôi ba ba, nuôi trăn, nuôi cá sấu, trồng mai ghép, trồng bonsai… Nhờ đó nhiều gia đình ở Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông, Nhị Bình đã áp dụng thành công và vươn lên thoát nghèo, thậm chí có hộ còn trở thành đại gia mai ghép như trường hợp của anh Lê Hoàng Giang (ngụ 125, khu phố 3C, phường Thạnh Lộc)…

40 năm gắn bó với công tác giáo dục, ông giáo 73 tuổi ngày ngày vẫn kiên tâm gắn bó với trường, với lớp và vẫn trung thành với mong ước duy nhất: “Mong cộng đồng hãy cùng chung tay xây dựng một xã hội học tập, giúp HS nghèo có cơ hội học tập và vươn lên”.

Đó là lý do mà cả HS chính quy ngày trước, HS trung tâm ngày nay và phụ huynh đều hết lòng trân quý thầy. Ngày 20-11 hàng năm, thầy Hải vui mừng và hạnh phúc lắm vì HS khắp nơi lại tụ về thăm thầy. Trong số đó có nhiều học trò cũ đã và đang giữ những vị trí cao trong chính quyền như: Chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp quận; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; thiếu tướng, đại tá công an…

Bích Vân

Bình luận (0)