Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giáo dục ở vùng quê kháng chiến

Tạp Chí Giáo Dục

Tập thể GV Trường Tiểu học Thị trấn Thới Lai trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (NGƯT Lê Thị Bé, Hiệu trưởng nhà trường, đứng thứ 3 từ phải qua, hàng đầu)

Mươi năm trước, đi công tác ở huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ (nằm sát tỉnh Kiên Giang), chúng tôi thường chuẩn bị tâm thế ở lại qua đêm bởi hệ thống giao thông khó khăn, phần lớn bằng đường sông…

1. Hôm nay vùng quê kháng chiến đã khoác lên mình bộ áo mới tươi đẹp: Nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống đa số người dân được nâng cao. Đường ô tô trơn láng từ trung tâm TP.Cần Thơ về tới huyện và 13 đơn vị hành chính, gồm 1 thị trấn và 12 xã.

Trước đây Thới Lai rất khó khăn về trường lớp, nhất là bậc mầm non: Nhiều xã không có trường, các lớp học dạy ở mái hiên nhà dân, hoặc trong đình, chùa hay văn phòng UBND xã. Còn Trường THCS Thị trấn Thới Lai xây dựng trước 1975 xuống cấp nặng, phòng học chật hẹp, ẩm thấp. Vào mùa nước nổi, các phòng đều bị ngập, việc dạy và học rất khó khăn. Những khi ngập sâu phải nghỉ dạy… Từ năm học 2013-2014, Trường THCS Thị trấn Thới Lai có trường mới, khang trang, tọa lạc tại ấp Thới Thuận B trên diện tích 20.000m2 với đủ các phòng chức năng, phòng thí nghiệm thực hành… Kinh phí xây dựng hơn 42 tỷ đồng, chưa kể trang thiết bị bên trong. Trường vừa đạt chuẩn quốc gia tháng 7-2015…

Hiện Thới Lai có 45 trường, trong đó mầm non 15, tiểu học 21, THCS 29, THPT Thị trấn Thới Lai và Trung học Trường Xuân (gồm THCS và THPT). Có 16 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non 5, tiểu học 6, THCS 5). Chuẩn bị cho năm học 2015-2016, huyện dành 94,28 tỷ xây mới, nâng cấp, mở rộng trường lớp; trong đó xây mới Trường Mầm non Tân Thạnh và Mầm non Đông Bình – mỗi trường kinh phí xây dựng gần 15 tỷ đồng. Cô Nguyễn Thị Hồng Tím, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Bình, bộc bạch: “Trường cũ có 4 phòng nằm ở ấp Đông Giang A, do tận dụng cơ sở của trường tiểu học nên cô giáo gặp khó khi áp dụng chương trình giáo dục mầm non mới. Quy mô trường là 258 cháu, phải ghép chung nhóm trẻ 2 tuổi với nhóm 3 tuổi. Trường mới xây đạt chuẩn, thoáng mát, nằm ở ấp Đông Giang, ngay trục lộ Thới Lai – Đông Bình đi Kiên Giang, rất thuận tiện khi đưa rước các cháu. Chúng tôi và phụ huynh phấn khởi lắm. Năm học này đạt hơn 100% chỉ tiêu huy động trẻ ra lớp”.

2. Thới Lai có 1.189 giáo viên (GV) từ mầm non đến THCS; 100% đạt chuẩn; 65,9% có trình độ trên chuẩn. Phòng GD-ĐT huyện luôn quan tâm chăm lo vật chất và tinh thần, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ GV. Chỉ tính năm 2014 đã xây dựng 3 mái ấm công đoàn cho các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn. Ngành đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý học sinh (HS); đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; đồng thời phát động phong trào “Mỗi GV có một đổi mới về một trong các lĩnh vực trên, mỗi cán bộ quản lý có một đổi mới trong công tác quản lý”. Thầy Nguyễn Văn Tri, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Thới Lai, nhấn mạnh: “Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường đổi mới hoạt động tổ chuyên môn. Buổi sinh hoạt tổ phải là nơi để các GV chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy, cùng nhau tìm hướng dạy hiệu quả những bài khó; hỗ trợ nhau phụ đạo HS yếu. Các hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo chặt chẽ công tác đổi mới phương pháp dạy cùng các hoạt động liên quan. Chống dạy chay, học chay, dạy tủ, dạy theo bài mẫu. Tăng cường dự giờ thăm lớp, kiểm tra chuyên môn, tổ chức thao giảng, chuyên đề… Chúng tôi kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định chuyên môn như bỏ tiết, không dự giờ, gian lận khi cho HS kiểm tra”.

Khen thưởng HS giỏi tại Trường THCS Trường Xuân

Hiện nay ngành giáo dục vùng ngoại thành này nằm trong top 4 đơn vị dẫn đầu của ngành giáo dục Cần Thơ. Chỉ tính năm học 2014-2015, trong các hội thi cấp thành phố, Thới Lai đạt hạng III Hội thi GV tiểu học giỏi; giải nhất Đồ dùng dạy học tự làm bậc mầm non. Số HS giỏi các cấp tăng so với những năm trước, trong đó cấp huyện có 1.219 em; cấp thành phố có 65 em. Đặc biệt, HS của huyện đã đạt giải II đồng đội cấp thành phố trong kỳ thi Olympic toán – tiếng Việt.

Các trường đẩy mạnh việc dạy tốt – học tốt và phát hiện, bồi dưỡng tài năng. Nhiều thầy cô giáo tận tụy với công tác bồi dưỡng HS mà không đòi hỏi thù lao… Chúng tôi đến Trường Xuân, đơn vị được phong tặng xã anh hùng đầu tiên của huyện. Thuộc vùng sâu nhưng Trường THCS Trường Xuân liên tục là lá cờ đầu bậc THCS của Thới Lai trong phong trào GV và HS giỏi. Trường cũng vừa đạt chuẩn quốc gia. Năm học vừa qua, trường có 31 HS giỏi cấp thành phố, trong đó có 8 em đạt giải Hội thi HS giỏi thí nghiệm – thực hành cấp thành phố. Tại đây có những GV như thầy Phạm Văn Phúc (đạt giải II GV giỏi môn sinh cấp thành phố) tranh thủ những buổi không có tiết để bồi dưỡng HS. Đội tuyển của thầy luôn đạt thành tích cao khi tham gia các hội thi. Thầy Phúc chia sẻ: “Ban Giám hiệu luôn động viên và tạo điều kiện để chúng tôi tham quan học tập kinh nghiệm những nơi dạy tốt, nhất là các trường điểm ở TP.HCM. Thầy cô tham gia thi GV giỏi được Ban Giám hiệu và đồng nghiệp hỗ trợ, dự giờ góp ý để hoàn chỉnh những tiết dạy. Khi tôi thi phần thực hành, dạy tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm ở Q.Ninh Kiều, trường phân công hai GV đi theo hỗ trợ. Nơi đâu có tài liệu tốt trường mua về cho GV. Trường trang bị đủ các phòng thí nghiệm thực hành nên khá thuận lợi công tác bồi dưỡng HS giỏi. Chúng tôi tìm những tài liệu, bài tập nâng cao để dạy và hướng dẫn HS phương pháp tự học…”.

Thầy Đinh Văn Danh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi chọn HS giỏi để bồi dưỡng từ lớp 6. Các em này được GV bộ môn dạy kiến thức nâng cao. Sau mỗi năm học trường tổ chức thi tuyển để chọn những HS xuất sắc vào đội tuyển. GV và HS đạt giải ngoài việc được trường và Phòng GD-ĐT khen thưởng, trường vận động xã hội hóa để thầy cô và các em đi tham quan du lịch. Nhưng quan trọng nhất là danh dự: Những GV phụ trách bồi dưỡng HS của trường đều vinh dự tham gia đội ngũ bồi dưỡng đội tuyển thi HS giỏi cấp thành phố của huyện, được xã hội tôn trọng”. Em Nguyễn Lê Quốc Hòa (học lớp 9A1, năm vừa qua đạt HS giỏi thành phố môn tiếng Anh, năm nay chuyển sang đội tuyển toán), cho biết: “Thầy cô hướng dẫn em phương pháp tự học, nên ngoài những buổi học nâng cao ở trường về nhà em lên mạng bổ sung kiến thức, tìm và giải những dạng bài tập khó, phần nào chưa hiểu thì hỏi thầy cô…”.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Thị trấn Thới Lai, lá cờ đầu ở bậc tiểu học của huyện, lại có cách làm khác – NGƯT Lê Thị Bé, Hiệu trưởng nhà trường, mời những chuyên viên giỏi trong nước đến tập huấn cho GV, góp phần đẩy mạnh chất lượng giáo dục mũi nhọn. Cô Bé cho biết: “Trường chọn những GV có kinh nghiệm, đạo đức, có uy tín phụ trách tổ, khối trưởng. Tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt cho những HS người dân tộc Khmer trước khi vào lớp 1. GV tạo môi trường học thân thiện, quan tâm và không để em nào vì học yếu mà mặc cảm, bỏ học. Trường vận động xã hội hóa tặng đồng phục, cấp sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho HS khó khăn”. Cô Phạm Thị Huỳnh Mai (đạt giải I GV giỏi cấp thành phố, phụ trách bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi môn toán của trường và đội tuyển của huyện), bộc bạch: “Các em HS học tốt và đạt thành tích cao khiến tôi rất hạnh phúc. Đó là động lực chính để tôi phấn đấu, bên cạnh những quan tâm, hỗ trợ của Ban Giám hiệu và Phòng GD-ĐT huyện”.

3. Những nỗ lực của ngành    giáo dục huyện Thới Lai góp phần tạo cơ sở để nhiều năm nay, Trường THPT Thị trấn Thới Lai có tỷ lệ HS tốt nghiệp và trúng tuyển ĐH-CĐ cao; 5 năm liền là đơn vị dẫn đầu khu vực phía Nam về số HS trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, cho biết: “Năm học này, 8 trường THCS của huyện đăng ký tham gia chương trình dạy tiếng Anh thí điểm theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Bộ GD-ĐT. Đây là cố gắng mới, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ tiếng Anh của HS Thới Lai với khu vực nội ô của thành phố”. Năm học 2015-2016, huyện Thới Lai có 18.498 HS từ mầm non đến THCS.

Đan Phượng

Bình luận (0)