Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1 vào Trường ĐH Tài chính – Marketing. Ảnh: M.Tâm |
Hôm nay (7-9), các trường ĐH, CĐ sẽ kết thúc xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung đợt 2. Mặc dù còn hai đợt xét tuyển NV bổ sung nữa nhưng theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, thí sinh không nên “chen chân” vào ĐH bằng mọi giá…
Cơ hội mong manh
Tại các đợt tuyển sinh NV bổ sung, Bộ GD-ĐT đã có một số điều chỉnh so với đợt đầu tiên như trong 3 phiếu còn lại thí sinh có thể nộp vào ba trường ĐH nhưng không được thay đổi NV, không được rút hồ sơ, thời gian các trường ĐH nhận hồ sơ cũng ngắn lại (10 ngày).
Mặc dù còn hai đợt xét tuyển NV bổ sung (3 và 4) nhưng cơ hội để thí sinh vào ĐH, kể cả trường ngoài công lập hiện cũng rất mong manh. TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Các trường ĐH ở khu vực phía Nam vẫn còn chỉ tiêu xét tuyển nhưng số chỉ tiêu, số ngành không phong phú như đợt trước. Ở khu vực phía Nam (tính từ Quảng Bình vào), có 20 trường ĐH còn xét tuyển NV bổ sung với 34.800 chỉ tiêu, trong đó hệ ĐH tuyển 12.700 chỉ tiêu, còn lại là hệ CĐ. Số chỉ tiêu này chủ yếu rơi vào các trường ngoài công lập, các chương trình liên kết quốc tế của các trường ĐH. Tại ĐHQG TP.HCM, hầu hết các trường thành viên đã tuyển đủ chỉ tiêu, chỉ có một số ngành ở Trường ĐH Quốc tế tuyển thêm đợt 2”.
Hiện nay hàng loạt trường ĐH trên địa bàn TP.HCM như ĐH Ngoại thương cơ sở 2, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Giao thông vận tải… đã tuyển đủ chỉ tiêu. 15% chỉ tiêu còn lại chủ yếu rơi vào các trường ngoài công lập nhưng cơ hội để trúng tuyển vào các trường này cũng rất mong manh, một số ngành còn nâng điểm xét tuyển.
Cụ thể, ở Trường ĐH Hoa Sen, mỗi ngành chỉ còn 40-70 chỉ tiêu NV bổ sung, trong đó mức điểm tối thiểu của các tổ hợp môn trong kỳ thi THPT quốc gia đều tăng, cụ thể như ngành toán ứng dụng là 19 điểm (tăng 4 điểm), ngành marketing và quản trị khách sạn là 17 điểm (tăng 2 điểm). Tương tự, ĐH Quốc tế Hồng Bàng nhận hồ sơ xét tuyển ngành dược học là 18 điểm, xét nghiệm y học là 16 điểm. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM có điểm xét tuyển ngành kế toán là 15,5 (tăng 0,5 điểm), luật – ngân hàng, kinh tế là 16 (tăng 1 điểm), marketing là 17 (tăng 2 điểm)… Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Trong 2 ngày đầu xét tuyển NV bổ sung đợt 2, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã nhận được hơn 1.100 hồ sơ, tức hơn phân nửa số chỉ tiêu còn lại của trường. Một số ngành như kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật công trình giao thông, quản trị du lịch lữ hành có mức điểm xét tuyển là 16 (tăng 1 điểm), ngành ngôn ngữ Nhật là 17 (tăng 2 điểm)…”.
Không nên vào ĐH bằng mọi giá
Cơ hội vào ĐH còn rất ít, nhưng không vì thế mà thí sinh cố “chen chân” vào ĐH bằng mọi giá, kể cả các lựa chọn khối ngành không yêu thích.
TS. Lê Thị Thanh Mai đưa ra lời khuyên: “Thí sinh còn nhiều đợt để xét tuyển vào ĐH nhưng cơ hội chọn ngành mình thích không còn nhiều như đợt trước. Tuy nhiên, các em phải chọn ngành mình yêu thích thì mới có động lực để học tập. Ở các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh không được thay đổi NV nhưng được ghi nhiều NV hơn khi có tới 3 phiếu xét tuyển. Dù có tới 3 phiếu nhưng các em nên ghi ngành mình yêu thích nhất hoặc cùng nhóm ngành, cùng lĩnh vực. Chẳng hạn như thích lĩnh vực khoa học tự nhiên thì đợt 2 các em cũng phải chọn lĩnh vực này chứ không thể quay sang lĩnh vực khác”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Tấn Ý, Phó trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định: “Không chọn được ngành yêu thích ở bậc ĐH thì các em chọn CĐ hoặc là TC. Khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội để các em đi nước ngoài làm việc hoặc làm việc tại các công ty nước ngoài đặt ở Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cần nhất vẫn là năng lực ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn sâu, tác phong công nghiệp, đạo đức nghề nghiệp… chứ không nhất thiết là phải có bằng cấp cao”.
Dương Bình
Bình luận (0)